Ngữ văn học

Ngữ văn học (tiếng Hy Lap: philologia) nghĩa rộng còn gọi là văn hiến học, ngữ sử học.

Toàn bộ các bộ môn khoa học nhân văn như nghiên cứu văn học sử học và các bộ môn khác có chung một đối tượng nghiên cứu xuất phát là các văn bản viết với các bình diện bên trong và các mối quan hệ bên ngoài của chúng, nhằm tìm hiểu lịch sử và bản chất của văn hóa tinh thần của nhân loại. Với ý nghĩa này, ngữ văn học có hai cực, một cực tập trung nghiên cứu văn bản, không cho phép thoát ly khỏi tính cụ thể của nó, và cực khác có tính chất vạn năng mà không thể xác định trước các giới hạn của nó. Lý tưởng của ngữ văn học là tìm hiểu tất cả những gì cần thiết để lý giải một văn bản cụ thể.

Với vai trò tự nhận thức của văn hóa như thế, ngữ văn học đã có từ rất xa xưa. Các bộ môn khoa học hỗ trợ của nó là văn bản học và chú giải. Quá khứ càng lùi xa, ngữ văn học càng có vai trò lớn lao trong việc tìm hiểu lý giải các văn hiến cổ. Tính vạn năng của ngữ văn học đạt tới đỉnh cao vào thế kỷ XIX, nó bao gồm không chỉ ngôn ngữ học, phê bình văn học, lịch sử sinh hoạt, đạo đức, văn hóa và các ngành khoa học nhân văn khác, kể cả khoa học tự nhiên cần thiết để lý giải văn bản cụ thể. Mặc dù về sau ngữ văn học bị phân hóa, các bộ môn ngôn ngữ học, nghiên cứu văn học, sử học tách khỏi ngữ văn học nhưng cách tiếp cận ngữ văn học vẫn duy trì như là đặc điểm chủ yếu của ngữ văn học. Ngữ văn học hiện đại coi trọng tính chỉnh thể nội dung và sử dụng cả các phương pháp toán học, hình thức hóa để nghiên cứu.

Ở Việt Nam, Trung Quốc từ xưa không có thuật ngữ ngữ văn học. Tiếp thu thuật ngữ ngữ văn học, người ta hiểu nó theo nghĩa hẹp là ngành nghiên cứu văn học và ngôn ngữ, ví dụ : khoa Ngữ văn, ngành Ngữ văn.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 8:24 Chiều ngày 18/05/2017