Người trần thuật đáng / không đáng tin cậy

Người trần thuật đáng / không đáng tin cậy (tiếng Anh : unreliable narrotor) là thuật ngữ dùng chỉ người trần thuật trong văn bản tự sự biểu hiện những điều không phù hợp với quan niệm giá trị của tác giả hàm ẩn thể hiện trong tác phẩm ấy. Người trần thuật đáng tin cậy hoặc không đáng tin cậy là vấn đề không dễ xác định, bởi vì bản thân việc giải thích ý nghĩa đã là không ổn định, thậm chí cùng một người đọc mà ở vào các trường hợp khác nhau cũng đã lý giải khác nhau rồi. Do dó muốn hiểu đúng vấn đề phải tìm hiểu cơ chế nội tại của quá trình đọc và phê bình. Xem xét quá trình sản sinh văn bản người ta có thể nhìn thấy trần thuật không đáng tin cậy nẩy sinh trong quá trình gia công trần thuật. Trong bản thân truyện nền của trần thuật không hề có cái gì không đáng tin cậy, vì nó là cái truyện chưa được kể ra, do đó nên trở về với truyện đó, lấy nó làm hệ quy chiếu mà xem xét. Đương nhiên truyện nền là vô hình, không nhìn thấy được, nhưng trở về truyện nền là một thao tác tự nhiên, hoặc vô thức của người đọc nhằm hoàn nguyên cốt truyện. Trong quá trình đọc – người đọc buộc phải tổ chức lại văn bản để hiểu được cái thế giới mà người trần thuật không hiểu được từ gốc độ của nó. Chẳng hạn khi đọc tiểu thuyết của Co-nan Đoi-lơ, cái thế giới mà người đọc hiểu, không phải là thế giới của bác sĩ Oen-xơ, mà là thế giới của Sai-lốc Hôm, những hiểu lầm, thắc mắc của người trần thuật Oen-xơ được tạo ra do thủ pháp trần thuật đều đã được loại bỏ. Trong tác phẩm, người trần thuật đáng tin cậy là người thống nhất được hệ giá trị trong tác phẩm, dù có được cải biên như thế nào, sự đánh giá không hề thay đổi. Đó là người trần thuật trong tác phẩm cổ điển như Thuỷ hử. Người trần thuật không đáng tin cậy là người trần thuật hoặc không bày tỏ thái độ đánh giá sự kiện, hoặc cố ý im lặng không nói rõ các mối quan hệ nhân quả khiến cho việc lý giải bị mơ hồ, hoặc cố tình bỏ sót một số chi tiết, hoặc kể những điều không liên quan tới sự việc chính, hoặc sử dụng một giọng điệu không phù hợp, hoặc tỏ ra hoàn toàn không hiểu,… Hiện tượng trần thuật không đáng tin cậy thể hiện ở sự xung khắc giữa trần thuật và các ý thức chủ thể khác, cho nên ý thức của người trần thuật buộc phải điều chỉnh. Tác phẩm của Hê-ming-uê như Kẻ sát nhân, tác phẩm của Ph. Cáp-ca như Lâu đài, Vụ án rất tiêu biểu cho người trần thuật không đáng tin cậy! Loại người trần thuật này buộc người đọc phải phát huy tính năng động cao độ để lý giải tác phẩm.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 8:32 Chiều ngày 18/05/2017