Người trần thuật

Người trần thuật (tiếng Anh : narrator ; tiếng Nga : povestvovatel’) là một nhân vật hư cấu hoặc có thật, mà văn bản tự sự là do hành vi ngôn ngữ của anh ta tạo thành. Trong khi kể miệng, người trần thuật là một người sống sinh động. Trong trần thuật viết phi văn học (như báo chí, lịch sử), người trần thuật nói chung đồng nhất với tác giả. Nhưng trong tác phẩm trần thuật mang tính chất văn học thì người trần thuật lại khác, nó bị trừu tượng hóa đi. trở thành một nhân vật hoặc ẩn hoặc hiện trong tác phẩm tự sự.

Tác già của tác phẩm tự sự là một giả định, không cần thiết cho một tổ chức trần thuật. Do đó trong trần thuật miệng, người trần thuật đã thể hiện đầy đủ cho chủ thể trần thuật. Còn trong trần thuật viết có tính văn học thì tình hình lại khác, người trần thuật trở thành một nhân vật trong tác phẩm, tuy là nhân vật đặc thù, nhưng giống như mọi nhân vật khác, chỉ là nhân vật “trên giấy”, thực hiện một chức năng trong tự sự. Cội nguồn thông tin tự sự bắt nguồn từ tác giả, do đem văn bản trần thuật viết ra trên giấy, người trần thuật cũng là sản phẩm do tác giả tạo nên. Do đó người trần thuật là người đưa tin được gá lắp trong nội bộ một hành vi ngôn ngữ khác. Trong trần thuật miệng và trần thuật viết phi văn học, người trần thuật đứng ngoài mọi văn bản mà nó trần thuật, là người trần thuật đang tiến hành trần thuật. Trong trần thuật viết mang tính chất văn học tư cách của người trần thuật là kết quả của hành vi trần thuật của chính mình, là sản phẩm của bản thân hành vi của mình, là một người trần thuật được trần thuật ra. Đố chính là một đặc điểm cơ bản rất quan trọng. Nhưng mức độ hóa thân thành vai của người trần thuật trong tự sự có tính chất văn học rất khác nhau, và tạo ra những hình thức biểu hiện khác nhau. Có thể chia ra thành người trần thuật lộ diện và người trần thuật ẩn tàng. Theo thuật ngữ thông dụng, thì người trần thuật lộ diện là người trần thuật theo “ngôi thứ nhất”, còn người trần thuật ẩn tàng là người trấn thuật “theo ngôi thứ ba”. Nhưng hai thuật ngữ này ngày nay không có ý nghĩa chặt chẽ. Bởi vì bất cứ người kể nào và bất cứ ai nói về mình đều xưng ngôi thứ nhất, mà không dùng ngôi thứ ba, còn cái gọi là kể theo ngôi thứ ba chỉ có nghĩa là không nói đến mình mà thôi. Ngoài ra người trần thuật ẩn hoặc hiện là tương đối. Người trần thuật hoàn toàn ẩn mình là rất hiếm, bởi nếu hoàn toàn ẩn mình thì thông tin tự sự sẽ nảy sinh từ chân không.

Ngoài ra người trần thuật còn có thể phân chia thành người trần thuật “tham gia vào truyện” và người trần thuật “bàng quan”, đứng ngoài.

Người trần thuật nói chung thực hiện năm chức năng:

1) chức năng kể chuyện, trần thuật;

2) chức năng truyền đạt, đóng vai một yếu tố của tổ chức tự sự;

3) chức năng chỉ dẫn, thuộc phương pháp trần thuật;

4) chức năng bình luận;

5) chức năng nhân vật hóa.

Cách thức thực hiện các chức năng trên ở người trần thuật miệng, trần thuật phi văn học và trần thuật văn học hoàn toàn khác nhau.

Nắm vững thực chất, chức năng của người trần thuật sẽ giúp người đọc phận tích nghệ thuật tự sự được khoa học hơn, tránh những ngộ nhận không cần thiết.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 8:30 Chiều ngày 18/05/2017