Nguồn gốc văn học nghệ thuật (tiếng Nga: proiskhojdenie iskusstva i literatury) là một trong những vấn đề cơ bản của lý luận văn học cũng như lý luận nghệ thuật nhằm trình bày, lý giải những nguyên nhân, những cội nguồn đầu tiên đã làm nảy sinh ra văn học nghệ thuật. Đây là vấn đề có quan hệ đến nhiều vấn đề khác như đối tượng, và chức năng của văn học, mối liên hệ giữa văn học với đời sống xã hội.
Việc nghiên cứu nguồn gốc văn học nghệ thuật gặp rất nhiều khó khăn vì khởi điểm của văn nghệ đã lùi sâu vào dĩ vãng. Ngày nay, chúng ta chỉ có thế lý giải vấn đề bằng các cứ liệu của dân tộc học, khảo cổ học kết hợp với sự phân tích biện chứng. Khoa học đã xác định các hiện tượng nghệ thuật nguyên thủy được phát hiện trong các hang động có niên đại cách đây khoảng bốn vạn năm, sau khi có sự xuất hiện của con người hằng triệu năm. lúc mà xã hội loài người bắt đầu hình thành. Điều đó cho thấy văn học nghệ thuật phát sinh không phải do bản năng bẩm sinh.
Thực tiễn đã chứng tỏ lao động là nhân tố quan trọng nhất của đời sống con người. Lao dộng là hoạt động sáng tạo, vừa làm biến đổi tự nhiên, vừa làm biến đổi bản thân con người, sáng tạo các hình thức giao tế giữa người với người, sáng tạo ra văn học nghệ thuật. Lao động đã sáng tạo ra bàn tay con người kỳ diệu, sáng tạo ra các giác quan người và do vậy mà tạo ra năng lực cảm giác và thế giới tâm hồn của con người. Nhờ có lao động, con người sáng tạo ra “tự nhiên thứ hai”, có năng lực biết nhìn ra ý nghĩa “người” của thế giới tự nhiên, biết hình dung trước kết quả của lao động, biết “vật thể hóa” ước mơ, ý chí, nhu cầu của con người vào thế giới tự nhiên. Năng lực đó làm phát triển óc tưởng tượng, tạo ra khả năng sáng tạo nên những hình tượng nghệ thuật nguyên thủy. Chính năng lực sáng tạo ra thế giới vật thể trong lao động là nguyên nhân tạo ra năng lực sáng tạo thế giới tinh thần của người nguyên thủy. Đó là sự mở rộng năng lực cải tạo tự nhiên sang địa hạt tưởng tượng, mà động cơ và mục đích đều gắn liền với lao động và cuộc sống.
Như vậy, nói lao động sáng tạo ra văn học nghệ thuật trước hết là nói lao động đã sáng tạo ra chủ thể thẩm mỹ, tức là con người có khả năng sáng tạo và thưởng thức các hiện tượng thẩm mỹ, các giá trị thẩm mỹ trong đời sống.
Nhưng các hiện tượng thẩm mỹ rộng hơn nhiều so với phạm vi nghệ thuật. Mà nội dung nghệ thuật cũng không phải chỉ có cái thẩm mỹ. Sự ra đời của nghệ thuật không chỉ bắt nguồn trực tiếp từ lao động mà có nguyên nhân trong nhu cầu tất yếu của xã hội. Đó là nhu cầu thống nhất các thành viên xã hội vào một thể thống nhất, nhu cầu gìn giữ cho mình và cho hậu thế hoạt động xã hội của con người vừa mới nảy sinh, nhu cầu tự điều chỉnh đời sống xã hội. Trong xã hội đã có sự phân công lao động, con người cảm thấy phụ thuộc vào nhau cho nên cái có ích không chỉ là công cụ, tài nghệ,… mà còn là tinh thần say mê lao động, lòng vị tha, sự hy sinh cho cộng đồng. Nghệ thuật góp phần gìn giữ và truyền cho mỗi người và cho các thế hệ sau những kinh nghiệm xã hội đã đạt được, làm cho mọi người có thể nhìn thế giới theo con mắt tập thể, hòa vào nhịp sống chung của xã hội.