Nhạc điệu là cấu tạo ngữ âm của lời văn nghệ thuật hình thành bởi vật liệu âm thanh của ngôn từ thể hiện đặc sắc của văn học như một nghệ thuật thời gian. Yếu tố hình thái vật chất tạo nên nhạc điệu là điệp âm, điệp vận với các hình thứcx đa dạng của chúng: bằng, trắc, nhịp điệu, niêm, đối, vần, yếu tố tượng thanh, ngữ điệu. Cái làm nên hồn của nhạc điệu là sự liên tưởng của tổ chức âm thanh với cảm giác âm nhạc (nhạc cảm) trong lòng người. Sự liên tưởng này không phải bao giờ cũng cụ thể, trực tiếp, nhưng bao giờ cũng có một mối liên hệ giữa âm hưởng, nhịp điệu với điệu tâm hồn. Và chỉ khi nào nhận ra mối liên hệ ấy mới cảm thấy được nhạc điệu. Ví dụ, khổ thơ trong bài Mẹ Tơm của Tố Hữu:
Tôi lại về quê mẹ nuôi xưa
Một buổi trưa nắng dài bãi cát
Gió lộng xôn xao, sóng biển đu đưa
Mát rượi lòng ta ngân nga tiếng hát.
Các từ song thanh, điệp vần (về, quê, xưa, trưa, dài, bãi, đu đua, ta, ngán nga, cát, hát) tạo nên sự xoắn xuýt cộng hưởng của âm điệu náo nức của tấm lòng. Hai câu tám với sự ngắt câu đều đặn, cân đối cộng với ngữ nghĩa các từ đu đưa, ngân nga gợi cảm giác ru vỗ êm ái. Nhà thơ tự nhận xét: Hai câu sau có âm vang của gió và sóng, có cả âm vang của một tấm lòng. Sự phân tích nhạc điệu không thể tách rời sự cảm nhận cảm giác âm nhạc của tác giả đối với cuộc đời thể hiện trong các yếu tố ngữ nghĩa của bài thơ.