Nhân vật chính diện

Nhân vật chính diện (tiếng Nga : polojitel ‘nyi geroi) còn gọi là nhân vật tích cực.

Đối lập với nhân vật phản diện (còn gọi là nhân vật tiêu cực). Là nhân vật thể hiện những giá trị tinh thần, những phẩm chất đẹp đẽ, những hành vi cao cả của con người được nhà văn miêu tả, khẳng định, đề cao trong tác phẩm theo một quan điểm tư tưởng, một lý tường xã hội – thẩm mỹ nhất định.

Trong văn học có những thể loại chuyên viết về nhân vật chính diện như tụng ca, sử thi, bi kịch.

Nhân vật chính diện là một phạm trù lịch sử. Văn học thời nào cũng có những nhân vật chính diện thể hiện lý tưởng xã hội và lý tưởng thẩm mỹ của thời đại mình. Thần thoại, sử thi, truyện cổ tích xây dựng những nhân vật chính diện như Nữ Oa, Tứ Tượng, Thánh Gióng, Tấm, Thạch Sanh,… để biểu hiện năng lực, sức mạnh của cộng đồng, thể hiện lý tưởng quốc gia độc lập, tư tưởng dân chủ, ý thức công dân cổ đại và các chuẩn mực đạo đức trong đời sống. Nhân vật chính diện trong văn học cổ điển Việt Nam lại là những nhà nho tiết tháo, lấy việc thực hiện lý tưởng tu, tề, trị, bình làm lẽ sống, những ông Ngư, ông Tiều coi thường công danh phú quý hoặc những anh hùng giúp dân, cứu nước như Lê Lợi (Bình Ngô đại cáo), Quang Trung (Hoàng Lê nhất thống chí). Nhân vật chính diện trong văn học hiện thực phê phán lại thường là những con người nhỏ bé, bị xã hội vùi dập, chà đạp nhưng vẫn giữ được những phẩm chất tốt đẹp như chị Dậu (Tắt đèn), lão Hạc (Lão Hạc). Nhân vật chính diện trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng là quần chúng bị áp bức, nhưng họ đã vùng lên chống lại xã hội áp bức, bóc lột để xây dựng xã hội mới.

Là hiện tượng lịch sử, nhân vật chính diện cũng có các hình thái lịch sử của mình. Trong văn học cổ đại, trung đại, trong văn học cổ điển chủ nghĩa, văn học lãng mạn, văn học Khai sáng,… nhân vật chính diện đều là nhân vật lý tưởng hóa hoặc ít nhiều lý tưởng hóa theo quan điểm chủ quan của người sáng tác. Do đó, nhân vật chính diện thường mang tính chất quy phạm và không tránh khỏi sự đơn giản, một chiều.

Trong văn học thế kỷ XX vẫn tồn tại không ít những nhân vật chính diện thiếu tính thuyết phục bởi bị lý tưởng hóa một cách chủ quan. Nhưng từ thế kỷ XIX, các nhà văn hiện thực phê phán đã đổi mới về căn bản khái niệm nhân vật chính diện. Họ khẳng định nội dung lý tường của loại nhân vật này, nhưng giải phóng nó ra khỏi nội dung lý tưởng hóa. Nhân vật chính diện ở đây chỉ mang những khả năng, mầm móng của lý tưởng trong đời sống, thể hiên các khuynh hướng tư tưởng tiến bộ. Nó có thể thống nhất trong bản thân cái cao cả với cái tầm thường, cái nghiêm túc với cái buồn cười, hài hước. Ví dụ : các nhân vật Đôn Ki-hô-tê, An-đơ-rây Bôn-côn-xki, Pi-e Bê-du-khốp (Chiến tranh và hòa bình), Thứ (Sống mòn). Do đó việc phân biệt nhân vật chính diện và nhân vật phản diện ở văn học hiện thực, trong nhiều trường hợp, chỉ mang tính chất tương đối, ước lệ. Khi liệt nhân vật vào phạm trù nào chủ yếu là xét các khuynh hướng xã hội và phẩm chất cơ bản của nó.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 3:52 Chiều ngày 24/05/2017