Nhân vật chức năng (tiếng Nga : personaj – maska) còn gọi là nhân vật “mặt nạ”.
Nhân vật có các đặc điểm, phẩm chất cố định, không thay đổi từ đầu đến cuối, không có đời sống nội tâm, sự tồn tại và hoạt động của nó chỉ nhằm thực hiện một số chức năng trong truyện và trong việc phản ánh đời sống. Nhân vật đồng nhất với vai trò mà nó đóng trong tác phẩm.
Nhân vật chức năng là một hiện tượng lịch sử. Trong thời cổ đại và trung đại, trọng tâm của văn học chủ yếu dồn vào sự kiện và xung đột chú không phải con người. Cho nên hầu hết các nhân vật của văn học cổ đại và trung đại, đặc biệt là nhân vật trong sáng tác truyền miệng, đều là những nhân vật chức năng. Chẳng hạn, trong truyện cổ tích, các anh hùng xuất hiện là để giết trăn tinh, yêu quái, phù thủy, cứu người đẹp; còn công chúa và vua cha thường bị nạn, được cứu và cuối cùng công chúa trở thành phần thưởng cho anh hùng. Thần tiên, ông Bụt xuất hiện để an ủi, cho phép màu, thử lòng tốt và ban hạnh phúc. Kẻ địch thủ chuyên làm ác, hại người nhưng sau bị trừng trị.
Hạt nhân của loại truyện nhân vật chức năng là các vai trò và chức năng mà chúng thực hiện trong truyện và trong việc phản ánh hiện thực. Do đặc điểm ấy mà chúng dễ trở thành cái tượng trưng trong đời sống tinh thần và được hình thức hóa trong sáng tác. Chẳng hạn, trong tuồng cổ, vai trung bao giờ cũng cương trực, thực hiện đạo lý, vai nịnh phản trắc, gièm pha, hãm hại người tốt. Các nhân vật như chàng ngốc, thằng Cuội, mụ phù thủy, quái vật, người đẹp, anh hùng trong truyện cổ tích đều có ý nghĩa tượng trưng như vậy.
Trong văn học từ thời Phục hưng, nhân vật chức năng thường là nhân vật thực hiện chức năng một chiều, hoặc có bề ngoài không đổi che đậy một cái gì khác ở bên trong. Chẳng hạn như nhiều nhân vật trong tiểu thuyết của Huy-gô, Đốt-xtôi-ép-xki.