Nhân vật loại hình

Nhân vật loại hình (tiếng Nga: personaj – tip) là nhân vật thể hiện tập trung một loại phẩm chất, tính cách nào đó của con người hoặc các phẩm chất, tính cách, đạo đức của một loại người nhất đinh của một thời đại. Chẳng hạn, các nhân vật của Mô-li-e như Ác-pa-gông thể hiện tập trung thói keo kiệt, Tác-tuýp thể hiện thói đạo đức giả và ông Giuốc-đanh là hiện thân cho thói phù phiếm, hiếu danh của gã tư sản muốn làm quý tộc.

Hạt nhân của nhân vật loại hình vẫn là yếu tố loại chứ không phải là cá tính. Với ý nghĩa ấy, các nhân vật người chiến sĩ, người cán bộ, người nông dận, người công nhân trong văn học cách mạng Việt Nam trựớc 1975 như Sản, Kha, Độ (Nguyễn Đình Thi, Xung kích), Kinh, Lữ (Nguyễn Minh Châu, Dấu chân người lính), A Châu (Tô Hoài, Vợ chồng A Phủ), Cầm, Thế (Nguyên Ngọc, Đất nước đứng lên), Tuấn (Võ Huy Tâm, Vùng mỏ), Tuy Kiền (Nguyễn Khải, Tầm nhìn xa) đều là những nhân vật loại hình.

Nhân vật loại hình không phải là khái niệm trừu tượng. Giống các loại nhân vật khác, chúng được thể hiện trong tác phẩm qua những chi tiết chân thực, sinh dộng của đời sống. Nhưng dẫu sao khái niệm loại vẫn là cốt lõi của chúng. Vì thế, nhân vật loại hình có khả năng khái quát cao, nhưng ít hay nhiều đều mang tính chất lược đồ.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 3:56 Chiều ngày 24/05/2017