Nhân vật phản diện

Nhân vật phản diện (tiếng Nga : otricatel’ nyi geroi) còn gọi là nhân vật tiêu cực.

Nhân vật văn học mang những phẩm chất xấu xa, trái với đạo lý và lý tưởng của con người, được nhà văn miêu tả trong tác phẩm với thái độ chế giễu, lên án, phủ định. Do đó, nhân vật phản diện và nhân vật chính diện là hai loại hình nhân vật luôn luôn đối lập với nhau. Trong văn học có những thể loại chuyên viết về nhân vật phản diện như văn thơ châm biếm, truyện cười, hài kịch.

Nhân vật phản diện là một hiện tượng lịch sử. Nó xuất hiện trong văn học muộn hơn nhân vật chính diện. Bởi vì sự phân biệt rạch ròi hai loại nhân vật này gắn liền với đối kháng trong đời sống xã hội, hình thành trên cơ sở đối lập giai cấp và quan điểm tư tưởng. Trong sử thithần thoại thường chưa có sự đối lập ấy. Trong xã hội có đối kháng giai cấp, văn học mỗi thời đại đều có những nhân vật phản diện mang những phẩm chất trái với lý tưởng xã hội và lý tưởng thẩm mỹ của thời đại mình.

Nhập vật phản diện trong truyện cổ tíchtruyện cười dân gian đại diện cho cái ác như mẹ con mụ Cám (Tấm Cám), Lý Thông (Thạch Sanh) là đại diện cho bọn mũ áo xênh xang mà nhân cách hèn hạ, bọn con vua, cháu chúa, thầy đồ, sư sãi,… giả dối, dốt nát, tham lam, keo kiệt,… Nhân vật phản diện trong văn học phong kiến lại thường là lũ nịnh thần, bọn tôi bất trung, bọn con bất hiếu, bất mục,… Trong văn học Phục hưng, văn học Khai sáng, văn học lãng mạn, văn học hiện thực phê phán, nhân vật phản diện lại thường là những kẻ vì đồng tiền và quyền lực sẵn sàng chà đạp lên lương tâm, đạo đức và nhân phẩm của con người,…

Là hiện tượng lịch sử, nhân vật phản diện có các hình thái lịch sử của nó. Xuất phát từ những quan niệm trừu tượng về bản chất con người, văn học cổ đại, trung đại và nhiều trào lưu văn học cận, hiện đại chỉ xây dựng được những nhân vật phản diện nguyên phiến, đơn nhất về phương diện phẩm chất. Vì thế, trong nhiều trường hợp, nhân vật phản diện cũng thường mang tính chất quy phạm và không tránh được sự đơn giản, một chiều.

Các nhà văn hiện thực phê phán đã đổi mới về cơ bản khái niệm nhân vật phản diện. Nhân vật của văn học hiện thực thường thống nhất trong bản thân cái cao cả với cái tấm thường, cái đẹp với cái lố bịch,… Do đó, sự phân biệt nhân vật phản diện và nhân vật chính diện trong nhiều trường hợp không phải là đơn giản và ít nhiều chỉ mang tính chất tương đối, ước lệ.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 3:59 Chiều ngày 24/05/2017