Phê bình khoa học hóa

Phê bình khoa học hóa (tiếng Anh: scientific criticism) là một xu thế quan trọng của phê bình văn học hiện đại. Nó có hai ý nghĩa. Một là ứng dụng một cách có hệ thống tri thức khoa học phi văn học vào phê bình văn học, chẳng hạn như ngữ nghĩa học, xã hội học, tâm lý học, ký hiệu học, tin học, lý thuyết giao tiếp,…

Phê bình văn học từ xưa đến nay đều ít nhiều dựa vào các tri thức phi chuyên ngành, nhưng phê bình khoa học hóa ngày nay chủ trương vận dụng một cách triệt để, có hệ thống. Hai là xem phê bình văn học là một thứ khoa học được quy phạm hóa theo những nguyên tác nhất định.

Lý thuyết phân tích hình thức hiện đại (thi pháp học), lý thuyết phân tích tâm lý, lý thuyết xã hội học văn học,… đều là phê bình được quy phạm hóa theo các phạm trù khoa học. Người đầu tiên đề xướng khuynh hướng này là nhà phê bình văn học Anh I.A. Ri-sớc. Ông cho rằng sinh lý học thần kinh sẽ là bộ môn cuối cùng giải quyết mọi vấn đề khó khăn của phê bình văn học.

Thậm chí ông đề nghị gọi phê bình văn học là một khoa học ứng dụng. Trường phái chủ nghĩa hình thức Nga khi chống lại khuynh hướng ấn tượng chủ nghĩa cũng đề cao nguyên tắc khoa học.

Đối lập lại với khuynh hướng phê bình khoa học hóa, ngoài phê bình ấn tượng chủ nghĩa còn có phê bình tôn giáo, phê bình kiểu nhân văn. Phê bình hiện sinh chủ nghĩa là tiêu biểu nhất cho kiểu phê bình nhân văn hiện đại.

Phê bình hiện tượng học nằm giữa phê bình khoa học hóa và phê bình kiểu nhân văn.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 2:22 Chiều ngày 12/06/2017