Phê bình mẫu gốc

Phê bình mẫu gốc (tiếng Anh: archetypal criticism) là một trong những phương pháp và trường phái phê bình văn học chủ yếu của phương Tây hiện đại. “Mẫu gốc” vốn có cội nguồn trong lý luận phê bình của phái tân Pla-tông. Trong phê bình văn học hiện đại “mẫu gốc” dùng để chỉ một đơn vị hình tượng, môtíp lặp lại tuần hoàn, nhiều lần, chứng tỏ tác giả tuân theo một kiểu mẫu nào đó để tiến hành sáng tác. Chẳng hạn như thơ điền viên bi thương, vốn lúc đầu là khúc ca hái trong nghi thức tống tiễn vị thần sắp chết. Sau này Gi. Min-tơn viết bài ca viếng người bạn chết đuối ở biển Ai-len, bèn theo hình thức thơ ấy, sử dụng nhiều hình ảnh từ Tê-ô-crít đến Viếc-gin, như mặt trời, bốn mùa tuần hoàn, sương thu,…

Mẫu gốc với tư cách là một thuật ngữ của phê bình văn học nhằm chỉ cái tính chất vĩnh cửu của văn học. Văn học dù sáng tác mới mẻ bao nhiêu trong đó cũng có sự lặp lại của các sự vật đã tồn tại từ lâu. Chẳng hạn, trong kịch luôn có một số loại hình nhân vật, như chú lính bóc phét, vốn có từ trong kịch của A-ri-xtô-phan, mà cho đến các vở hài kịch đời sau chú vẫn xuất hiện với ít nhiều hóa trang, như trong kịch Sếch-xpia, Mô-li-e. Từ đây có thể nói “mẫu gốc” là một “điển cố” văn học giàu sức biểu hiện.

Phê bình mẫu gốc ở phương Tây hiện đại có cội nguồn ở hai hệ thống lý luận. Một là trường phái nhân loại học so sánh của Gi. Phra-dê và hai là lý thuyết của C.G. Giung. Giung đem thuật ngữ “mẫu gốc” ứng dụng vào “tâm tượng nguyên thủy” và các tàn tích tâm lý có từ trong kinh nghiêm của tổ tiên xa xưa được lưu truyền lại. Giung cho rằng các tâm tượng và tàn tích tâm lý đó được lưu lại trong vô thức tập thể, biểu hiện thành thần thoại, tôn giáo, giấc mơ, cảm giác huyền bí của cá nhân.

Nhà phê bình văn học tìm kiếm các loại hình tính cách, các môtíp tình tiết, các ý tưởng vừa phản ánh nội dung đời sống hiện tại, vừa thể hiện những hình thức phổ biến, nguyên sơ của loài người. Những hình bóng mẫu gốc ấy đóng góp tạo nên sức cộng hưởng sâu sắc của văn học. Có nhà phê bình như N. Phrai thì không thừa nhận lý thuyết của Giung, nhưng vẫn nghiên cứu mẫu gốc.

Tác phẩm Giải phẫu phê bình (1957) của N. Phrai đã phát triển phương pháp phê bình mẫu gốc, và tiến hành giải mã Kinh Thánh. Các nhà phê bình theo khuynh hướng này đều nhấn mạnh tới nội hàm thần thoại trong chiều sâu văn học. Chẳng hạn chủ đề “chết – tái sinh” vốn là mẫu gốc cơ bản gắn liền với sự tuần hoàn bốn mùa và sự tuần hoàn hữu cơ của sự sống con người. Mẫu gốc này, theo ý kiến luận chứng cho biết, đã tạo nêu nghi thức hiến tế, thần thoại hy sinh để được tái sinh và các tác phẩm đời sau như Kinh Thánh, Thần khúc,… Các mẫu gốc khác như lữ hành dưới đất, lên trời, tìm cha, thiên đường, âm phủ,… đều có trong các tác phẩm khác dưới hình thức che giấu.

Phê bình mẫu gốc là phương pháp có ý nghĩa trong cuộc đi tìm dấu tích văn hóa.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 2:28 Chiều ngày 12/06/2017