Phê bình tiểu sử (tiếng Anh: biographical criticism) là một phương pháp phê bình lấy đặc điểm tiểu sử nhà văn làm cơ sở. Tiểu sử đây là sự trần thuật tường tận về cuộc đời của một nhà văn, đề cập đến tính cách, khí chất, thói quen, thị hiếu, kinh lịch và hoàn cảnh xã hội.
Nhà phê bình theo lối tiểu sử cho rằng đặc trưng và ý nghĩa của tác phẩm liên quan mật thiết đối với cuộc đời và tính cách của nhà văn, liên quan đến hoàn cảnh xã hội và thời đại của anh ta.
Đề tài, chủ đề, sự đánh giá và hình thức biểu hiện trong tác phẩm của nhà văn đều chịu sự ràng buộc của đời sống cá nhân của nhà văn.
Do đó việc phân tích tác phẩm thường dựa vào tư liệu tiểu sử như thư từ cá nhân, nhật ký, hồi ký, bài diễn thuyết, tự truyện của nhà văn. Đó là một kiểu phê bình điển hình lấy nhà văn làm trung tâm, nhấn mạnh rằng tác phẩm là sự phản ánh của tác giả, tác giả quyết định ý nghĩa của tác phẩm. Phê bình văn học ngày nay cho rằng lối phê bình tiểu sử do quá lệ thuộc vào tiểu sử nhà văn mà khó tránh ngộ nhận trong đánh giá.