Phônclo

Phônclo (tiếng Anh, Pháp: folklore) là thuật ngữ phônclo từ lâu đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới.

Tiếng Anh folklore có nghĩa là “sự anh minh của nhân dân”. Về phônclo, hiện nay có hai quan niệm chính:

  1. Phônclo là sáng tác dân gian, trong đó có những sáng tác nghệ thuật (như thơ ca, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, vũ đạo,…) và những sáng tác không phải nghệ thuật (như lễ hội, tập quán, tín ngưỡng,…). Quan niệm này đang thịnh hành ở một số nước phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ,…
  1. Phônclo là sáng tác văn học dân gian truyền miệng. Quan niệm này thịnh hành ở Liên Xô (trước đây), chú trọng tới các sáng tác nghệ thuật của nhân dân có mang yếu tố ngôn từ (ví dụ : truyện kể dân gian, bài ca dân gian).

Ở ta, các thuật ngữ văn chương truyền miệng, văn chương bình dân, văn học dân gian có nội dung gần gũi với quan niệm thứ hai trên đây về phônclo. Đặc điểm quan trọng để phân biệt phônclo với văn học là :

– Cũng như các hình thức nghệ thuật cổ đại, phônclo có đặc tính nguyên hợp (thống nhất trong mình những dạng thức khác nhau của nghệ thuật) thể hiện trong tất cả các thể loại của phônclo : bài ca dân gian bao hàm cả yếu tố lời và yếu tố nhạc, thậm chí là kết hợp cả với các hình thức múa hoặc trình diễn. Sân khấu dân gian mang đặc điểm này rõ hơn. Ngay cả những thể loại tưởng như chỉ có yếu tố lời đóng vai trò quyết định (truyện cổ tích) khi kể, lời vẫn được kết hợp với vẻ mặt và động tác, điệu bộ.

Phônclo là nghệ thuật ngôn từ truyền miệng, xuất hiện từ rất lâu, trước khi chữ viết ra đời. Ngay cả khi có chữ viết, truyền miệng vẫn là hình thức tồn tại chính của phônclo.

Phônclo là những sáng tác tập thể. Đó là sự hòa tan của ý thức cá nhân vào ý thức tập thể trong sáng tạo. Phônclo không mang dấu ấn cá tính sáng tạo của tác giả, bởi nó thường xuyên được sửa chữa, thêm thắt trong quá trình lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ địa phương này sang địa phương khác. Tuy nhiên, những tài năng xuất chúng trong sáng tác phônclo (Nguyễn Du, Phan Bội Châu đã từng tham gia sinh hoạt ca hát dân gian và đã từng sáng tác dân ca), những người chuyên làm nghề truyền bá và sáng tác phônclo (những người hát rong, những nghệ nhân kể chuyện cổ tích) cũng có vai trò của họ.

Những tài năng xuất chúng tự khẳng định mình trong cái chung chứ không tách rời tập thể. Hệ thống phônclo mỗi dân tộc đều có nét đặc thù (dân tộc Ê-đê, Mường có sử thi tương đối hoàn chỉnh, còn dân tộc Việt xét ở thời điểm hiện tại chỉ có truyền thuyết anh hùng – những cốt truyện của sử thi). Tuy nhiên, vẫn có cách phân loại chung đối với phônclo nhiều dân tộc. Ở cấp độ loại, phônclo được chia thành tự sự, trữ tình và kịch. Dưới loại là các thể loại. Trong phônclo Việt Nam (phônclo dân tộc Việt) các thể loại tự sự là : truyền thuyết anh hùng, truyền thuyết lịch sử, truyện cổ tích thần kì, truyện cổ tích sinh hoạt, truyện cười, vè lịch sử ; các thể loại trữ tình : bài ca sinh hoạt, trữ tình ; các thể loại kịch : tuồng chèo sân đình. Tục ngữ và câu đố tiếp cận với loại hình tự sự dân gian. Trong khoa nghiên cứu, phônclo còn có những cách phân loại khác.

Mỗi thể loại phônclo đều có hệ thống thi pháp đặc trưng, phù hợp với nội dung phản ánh (đặc trưng của truyện cổ tích thần kì là sự trùng lặp của cốt truyện , môtíp,  kiểu nhân vật ; đặc trưng của tục ngữ là tính nhịp nhàng, cân đối của kết cấu , là tính đa nghĩa của hệ thống hình ảnh,…).

Các thể loại phônclo phát triển theo lịch sử. Sự hưng thịnh hoặc suy tàn của mỗi thể loại được quy định bởi điều kiện lịch sử, xã hội từng dân tộc. Mảnh đất của sử thi Ê-đê chính là xã hội Ê-đê cổ đại.

Truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam không thể phát triển mạnh ngoài những điều kiện của xã hội phong kiến Việt Nam. Bước sang thời kì hiện đại, nhiều thể loại đã suy tàn. Chèo sân đình là một ví dụ tiêu biểu. Trong quá trình phát triển, các thể loại phônclo không ngừng tác động, ảnh hưởng lẫn nhau, phủ định lẫn nhau hoặc tạo ra những hình thức trung gian rất khó xác định (sự thay thế truyện cổ tích thần kỳ bằng cổ tích sinh hoạt là một tất yếu lịch sử ; truyện Trạng Quỳnh là hình thức trung gian của cổ tích sinh hoạt và truyện cười,…).

Phônclo cũng phát triển theo vùng. Mỗi vùng là một cộng đồng thể loại. Sự hình thành vùng phônclo dựa trên cơ sơ văn hóa và ngôn ngữ (ví dụ : sự gần gũi nhau về văn hóa giữa các nước Đông Nam Á đã tạo ra vùng phônclo Đông Nam Á ; các dân tộc nói tiếng Xla-vơ ở châu Âu đã tạo ra vùng phônclo của họ ; cũng như thế với các dân tộc A-rập.

Sự phát triển của phônclo về mặt lịch sử đã tạo ra tính truyền thống (những đặc điểm bền vững về nội dung và nghệ thuật). Phônclo được cách tân trên cái nền của truyền thống lâu đời. Vì vậy, sự cách tân trong phônclo là dần dần và vững chắc.

Về phương diện địa lý, sự phát triển của phônclo tạo ra tính chung giữa các dân tộc : tính chung về mặt loại hình (các dân tộc xa lạ với nhau nhưng có những loại hình sáng tác giống nhau) ; tính chung về mặt di truyền (các dân tộc có họ hàng với nhau theo dòng giống và ngôn ngữ sẽ bảo lưu được vốn phônclo giàu có của mình) ; tính chung về mặt văn hóa lịch sử (sự giao lưu văn hoá giữa các dân tộc sẽ tạo ra những yếu tố giống nhau trong phonoclo).

Tuy nhiên tính chung không xóa nhòa ranh giới giữa các dân tộc. Đặc sắc phônclo của mỗi dân tộc không hề mất đi trong sự trùng hợp và giao lưu không ngừng của các nền văn hóa. Phônclo mang bản chất xã hội. Vì vậy, mặc dù có nhiều yếu tố bịa đặt, kì ảo, hoang đường, phônclo vẫn phản ánh những vấn đề xã hội và lịch sử. Là sáng tác của nhân dân, phônclo chủ yếu phản ánh đời sống và tâm tư, khát vọng của nhân dân. Go-rơ-ki đã nói : không thể hiểu được lịch sử nhân dân, nếu không chú ý đến phônclo. Nội dung của phônclo là những vấn đề tích cực. Nhưng nhân dân không đồng nhất về tư tưởng và tình cảm, vì vậy bên cạnh những mặt tiến bộ, trong phônclo tồn tại không ít những yếu tố lạc hậu, những thiên kiến sai lầm.

Phônclo là món ăn tinh thần không thể thiếu của quần chúng nhân dân. Vai trò, tác dụng của phônclo trong nhân dân vô cùng to lớn. Về mặt nào đó, nó là động lực của nhân dân trong tiến trình lịch sử. Giá trị giáo dục, nhận thức và thẩm mỹ của phônclo là vĩnh cửu với toàn nhân loại.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 12:33 Sáng ngày 05/12/2019