Phú là một thể văn cổ của Trung Quốc, du nhập vào Việt Nam từ sớm, nhưng được sáng tác rộng rãi bắt đầu từ thời Trần. Phú có thể được viết bằng văn vần, văn xuôi hoặc văn biền ngẫu nhằm miêu tả phong cảnh, kể sự việc, bàn chuyện đời.
Phú vốn nghĩa là “phô bày”. Các nhà nghiên cứu Kinh thi giải thích: “Phú là phô bày thẳng sự việc.” Có thể phú nảy sinh từ thời Chiến quốc, định hình và thịnh hành vào thời Hán, thường dùng lối chủ khách đối đáp, kiểu câu tự do, không chặt chẽ về bằng trắc. Thời Nam Bắc triều có biển phú, viết theo lối văn biền ngẫu.
Đời Đường chế độ khoa cử đòi hỏi thơ và phú đều phải làm theo luật, do đó ở đời Đường phú được gọi là phú luật hay phú cận thể để phân biệt với phú thể trước đó. Đời Tống phú có xu hướng văn xuôi hóa nên được gọi là văn phú. Phú cổ thể làm theo lối văn biền ngẫu hoặc một lối văn xuôi có vần (phú lưu thuỷ). Ví dụ :
Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu có những câu :
Đương khi
Muôn đội thuyền bày ; hai quân giáo chỉ
Gươm tuốt sáng lòe ; cờ bay đỏ khé
Tướng Bắc quân Nam ; hai bên đối luỹ
Đã nổi gió mà mây bay
Lại kinh thiên mà động địa …
(Đông Châu dịch từ nguyên bản Hán văn)
Phú cận thể (hay phú luật) được đặt theo luật lệ quy định : có vần, có đối theo luật bằng trắc. Vần được gieo theo nhiều lối khác nhau như : độc vận (một vần từ đầu đến cuối) hoặc 5, 6, 7, 8 vần, tuỳ sự hạn vận (tức ra một câu làm giới hạn bắt buộc gieo vần theo thứ tự các chữ trong câu, hoặc phóng vận (gieo vần tự do phóng túng). Phú Đường luật bao giờ cũng đặt câu bằng hai vế đối nhau, vẫn nằm ở cuối vế dưới. Câu tứ tự (mỗi vế 4 chữ), câu bát tự (mỗi vế 8 chữ), câu song quan (hai cửa, mỗi vế 5 đến 9 chữ), câu cách cú (mỗi vế gồm hai đoạn, một đoạn ngắn, một đoạn dài ), câu gối hạc hay hạc tất (mỗi vế có ba đoạn trở lên, đoạn giữa thường ngắn như cái đầu gối nối giữa hai ống chân con hạc).
Bố cục một bài phú Đường luật thường có 6 phần:
- Lung khởi (mở đầu, nói một ý bao quát toàn bài).
- Biện nguyên (nói gốc tích, ý nghĩa của đầu bài).
- Thích thực (giải thích, phân tích ý nghĩa của đầu bài).
- Phu diễn (trình bày, dẫn chứng, minh họa làm rõ phần giải
thích, phân tích).
- Nghị luận : bình luận, nhận xét ý nghĩa của đầu bài.
- Kết (thắt lại, kết thúc).
Trong văn học Việt Nam thời phong kiến, phú có mặt ở hầu hết các giai đoạn và giai đoạn nào cũng có những tác phẩm có giá trị.
Bên cạnh phú chữ Hán có phú Nôm (Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu, Ngọc tỉnh liên phú của Mạc Đĩnh Chi, Chí Linh sơn phú của Nguyễn Mộng Nguyên, Tịch cư ninh thể phú của Nguyễn Hãng, Hàn nho phong vị phú của Nguyễn Công Trứ).
Trong ca dao, phú là một kiểu cấu tứ được dùng phổ biến bên cạnh các kiểu cấu tứ khác (tỉ, hứng) để trực tiếp tả cảnh, kể chuyện hoặc phô diễn tâm tình.