Phục bút là một biện pháp gia công tự sự, khi sự kiện đã được trình bày ở vị trí bình thường, nhưng trong trường hợp đó nó không có ý nghĩa, có vẻ như là một chi tiết thừa do chọn lựa không hợp lí, phải chờ đến khi sự kiện sau đó phát sinh thì ý nghĩa của nó mới hiện ra. Trần thuật như vậy được gọi là phục bút.
Do đó cơ chế của phục bút ngược lại với cơ chế của “huyền nghi” (gieo nghi ngờ), là cố ý tuân thủ quá mức thứ tự thời gian, đem sự kiện vốn có thể để dành sau này kể ngược lại mà kể ra theo trật tự thời gian của cốt truyện. Phục bút có ý nghĩa dự báo tốt hay xấu, ám chỉ một quan niệm định mệnh.
Trong An-na Ka-rê-ni-na tại chương III kể An-na trên đường gặp một sự cố tai nạn xe lửa cán chết người. Mới nhìn qua tưởng là vô nghĩa, xa đề, nhưng đến khi An-na lao vào đường ray để tự tử người ta mới biết chi tiết trên là phục bút. Phục bút có quan hệ với hô ứng. Trong tiểu thuyết có loại phục bút hư, có loại phục bút thực.