Phương pháp sáng tác

Phương pháp sáng tác (tiếng Nga : tvorcheskyi metod) còn gọi là phương pháp nghệ thuật.

Đó là hệ thống những nguyên tắc tư tưởng – nghệ thuật chi phối toàn bộ quá trình hoạt động sáng tạo để xây dựng nên tác phẩm nghệ thuật mà trước hết là biến nội dung cuộc sống thành nội dung nghệ thuật và cùng với nội dung, chi phối sự sáng tạo hình thức tác phẩm.

Phương pháp sáng tác vừa là phương thức lĩnh hội và cải biến hiện thực thành hình tượng nghệ thuật, biểu hiện mối quan hệ thẩm mỹ của nhà thơ đối với thế giới, vừa là phương thức thể hiện và khẳng định một lí tưởng thẩm mỹ nhất định mà nhà văn theo đuổi trong quá trình sáng tác. Phương pháp sáng tác thường chịu sự quy định của một thế giới quan nhất định và nảy sinh trong những kiện lịch sử nhất định.

Vì quá trình hoạt động sáng tạo ra tác phẩm văn học bao giờ cũng cụ thể, không lặp lại (văn học là thứ không thể sản xuất hàng loạt), nên phương pháp sáng tác bao giờ cũng cụ thể, độc đáo và mang tính cá thể sâu sắc. Ta có thể nói tới phương pháp sáng tác của tác phẩm cụ thể như : Truyện Kiều; phương pháp sáng tác của nhà văn cụ thể như H. Ban-dắc, L. Tôn-xtôi, G. Mác-két,…

Nhưng vì trong quá trình sáng tạo tác phẩm, nhà văn phải sử dụng các nguyên tắc sáng tạo nghệ thuật đã được tích lũy trong truyền thống hay của những người cùng thời, hoặc cùng sử dụng một cách sáng tạo các nguyên tắc chung về thế giới quan,… mà trong sáng tác của một loạt nhà văn hình thành những phương pháp chung.

Đó là các nguyên tắc loại hình làm cơ sở cho các trào lưu văn học, dòng văn học. Các nguyên tắc loại hình này bao gồm các nguyên tắc phổ quát của sáng tạo nghệ thuật như nguyên tắc tái hiện (dựng lại bộ mặt vốn có của hiện thực), nguyên tắc tái tạo (phát huy trí tưởng tượng, huyễn tưởng, hoang đường) ; hoặc các nguyên tắc do khoa học gợi ý (tái hiện trung thành các quan hệ hiện thực, lựa chọn điển hình, nguyên tắc quyết định luận của hoàn cảnh…), các nguyên tắc giáo huấn, ngụ ngôn, diễn thuyết.

Phương pháp sáng tác chung là một hiện tượng loại hình lịch sử, do các điều kiện xã hội lịch sử cụ thể quy định. Đó là các phương pháp sáng tác của chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực phê phán, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa,…

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 12:43 Sáng ngày 05/12/2019