Phương thức chuyển nghĩa

Phương thức chuyển nghĩa (tiếng Pháp: trope) là sự sáng tạo các hình ảnh ngôn ngữ, hình tượng nghệ thuật bằng chuyển đổi ý nghĩa của từ và hình ảnh để tạo ra các giá trị biểu cảm mong muốn. Phương thức chuyển nghĩa còn được gọi là phương thức tu từ ngữ nghĩa.

Sự chuyển đổi ý nghĩa trong phương thức chuyển nghĩa không giống như sự chuyển nghĩa thông thường của từ. Một từ có thể cho nhiều ý nghĩa khác nhau, nhưng chuyển nghĩa thông thường nhất thiết phải dựa trên cơ sở của nghĩa cơ bản. Ví dụ : từ lòng thòng vốn chỉ sợi dây lòi ra không được cuốn lại gọn được dùng chỉ “quan hệ nam nữ không chính thức”. Nghĩa sau hình thành trên cơ sở của nghĩa cơ bản có trước. Trong phương thức chuyển nghĩa sự chuyển đổi không dựa theo nghĩa cơ bản của hình ảnh hoặc hình tượng. Ví dụ:

Cứ nghĩ hồn thơm đang tái sinh

Ngôi sao ấy lặn, hoá bình minh

Cơn mưa vừa tạnh, Ba Đình nắng

Bác đứng trên cao vẫy gọi mình.

(Tố Hữu)

Sự chuyển đổi ý nghĩa giữa ngôi sao và “Bác Hồ” hoàn toàn không dựa theo nghĩa cơ bản của ngôi sao. Việc tạo ra nghĩa mới là mục đích của phương thức chuyển nghĩa. Trong nhiều trường hợp, ý nghĩa ban đầu của hình ảnh, hình bị mất hoặc nhòa đi để cho ý nghĩa thứ hai chiếm ưu thế.

Phương thức chuyển nghĩa được thực hiện rất rộng rãi trong văn học. Nó không dừng lại trong phạm vi một từ, một cụm từ, mà còn mở ra ở giới hạn trên câu hoặc toàn bộ tác phẩm. Phương thức chuyển nghĩa diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như so ẩn dụ , hoán dụ, phúng dụ, nhân hóa, định ngữ nghệ thuật, … Ranh giới giữa các hình thức chuyển nghĩa không thật rõ ràng.

Xét trên một phương diện nào đó, trong hình thức này hàm chứa các hình thức khác. Ví dụ : hoán dụ là một dạng của ẩn dụ, ẩn dụ là một dạng của so sánh,…

Phương thức chuyển nghĩa đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sáng tác văn học. Trước hết, nó tạo ra nhận thức mới mẻ cho con người về thế giới xung quanh và về bản thân mình. Đó là sự phát hiện và là yếu tố bất ngờ trong nhận thức.

Phương thức chuyển nghĩa cũng tạo ra giá trị biểu cảm phong phú và đa dạng. Nhờ có phương thức chuyển nghĩa mà người đọc, người nghe có được cảm xúc thẩm mỹ, từ đó nhận ra ý nghĩa sâu sắc của hình tượng nghệ thuật.

Phương thức chuyển nghĩa còn giúp cho nhà văn xây dựng ngôn ngữ nhân vật, tạo phong cách cho chính nhà văn và tác phẩm.

Tìm hiểu phương thức chuyển nghĩa trong văn học không chỉ nên xem xét về mặt hình thức, điều quan trọng hơn là để xem xét về mặt nội dung gắn liền với mục đích của quá trình sáng tạo.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 12:45 Sáng ngày 05/12/2019