Phương thức trần thuật

Phương thức trần thuật (tiếng Anh : narrative perspective ; tiếng Trung Quốc : phương vị trần thuật, cũng dịch là góc độ trần thuật) là phương thức trần thuật được cấu thành bởi sự phối hợp giữa tiêu cự trần thuật và tư cách kể.

Tiêu cự trần thuật có thể chia thành hai loại : trần thuật biết hết và trần thuật theo điểm nhìn nhân vật. Tư cách kể có thể chia thành người kể lộ diện (kể theo “ngôi thứ nhất”) hoặc người kể ẩn tàng (kể theo “ngôi thứ ba” hoặc “ngôi thứ hai”). Hai yếu tố này kết hợp với nhau tạo thành các phương thức tự sự khác nhau theo quan điểm của từng chuyên gia, song nhìn chung, có thể lưu ý tới các phương thức sau:

  1. Kể theo ngôi thứ ba, khách quan, người kể biết hết, tiêu cự bằng không.
  2. Kể theo ngôi thứ ba, người kể biết hết, có bình luận.
  3. theo ngôi thứ ba, chủ quan do vận dụng điểm nhìn của nhân vật (tiêu cự bên trong).
  4. Kể theo ngôi thứ nhất của người kể bàng quan, đứng ngoài.
  5. Kể theo ngôi thứ nhất có bình luận.
  6. Kể theo ngôi thứ nhất mang điểm nhìn của người trong cuộc.

Các phương thức này cung cấp một cơ sở lý thuyết để nhìn nhận các loại hình trần thuật hoặc sự tiến triển của nghệ thuật tự sự. Chẳng hạn trong truyện kể trung đại thường chỉ có phương thức trần thuật 1 và 2. Phương thức 3 đến thời cận, hiện đại mới có, bởi chỉ có sự phát triển của ý thức cá nhân, có quan niệm cá tính thì điểm nhìn bên trong mới được đưa vào nghệ thuật tự sự.

Điều này giải thích tại sao trong tự sự dân gian, tự sự cổ trung đại chủ yếu chỉ có trần thuật theo phương thức 1 và 2. Khái niệm tiêu cự cho phép phân biệt các hình thức tự sự ngôi thứ ba thuộc văn học trung đại với trần thuật ngôi thứ ba của văn học hiện đại.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 12:47 Sáng ngày 05/12/2019