Phương thức tu từ (tiếng Pháp : figure de style ; tiếng Anh : rhetorical figures of speech) là sự lựa chọn, sử dụng và sáng tạo ra những phương tiện ngôn ngữ nghệ thuật để mô tả và thể hiện một cách sinh động, sâu sắc hiện thực khách quan và thế giới nội tâm của con người.
Xét về phạm vi, phương thức tu từ rộng hơn phương thức chuyển nghĩa rất nhiều. Nó không chỉ gồm bao các hình thức chuyển đổi ý nghĩa mà còn bao gồm tất cả các hình thức đẹp khác của ngôn từ dân tộc (như cấu trúc âm thanh, ngữ pháp, tạo từ, …) Phương thức tu từ có hai cấp độ : 1) Lựa chọn và sử dụng những phương tiện ngôn ngữ có trong kho tàng ngôn ngữ dân tộc để diễn đạt đúng nội dung thông báo ; 2) Sáng tạo ra những yếu tố mới trong ngôn ngữ để diễn đạt sinh động và có sức truyền cảm nội dung thông báo. Hai cấp độ này cùng tồn tại, cấp độ 2 phải dựa trên cấp độ 1 bởi vì chỉ có trên cơ sở của cái đúng thì mới có được cái hay.
Phương thức tu từ tạo ra phong cách ngôn ngữ. Các tác phẩm văn học có chung một phong cách gọi là phong cách nghệ thuật. Đây là phong cách đa dạng nhất trong các phong cách ngôn ngữ chức năng. Phong cách được hình thành do sự lựa chọn, sử dụng các phương tiện ngôn ngữ theo một hướng nhất định.
Bên cạnh phong cách ngôn ngữ, phương thức tu từ còn tạo ra sắc thái biểu đạt, đây là một nội dung phụ so với dung dung cơ sở của ngôn ngữ nhưng lại có ý nghĩa quan trọng với văn học. Sắc thái biểu đạt nhìn chung rất tinh vi, đa dạng, phức tạp, nhưng nổi bật lên là sắc thái biểu cảm của hình tượng ngôn ngữ hoặc hình tượng nghệ thuật mà trong đó, tác giả thể hiện được thái độ và cảm xúc của mình.
Phương thức tu từ bảo đảm cho văn học tồn tại như là một loại hình của nghệ thuật.