Quá trình văn học

Quá trình văn học (tiếng Nga : literaturnyi process) là sự tồn tại, vận động và tiến hoá của bản thân văn học trong từng thời kì, thời đại lịch sử của từng dân tộc, từng vùng cũng như trong toàn bộ lịch sử của dân tộc, khu vực và toàn thế giới. Nếu như khái niệm lịch sử văn học chỉ quá trình xuất hiện các tác giả, tác phẩm.

các phong cách, thể loại, sự tích luỹ liên tục các giá trị văn học qua các thời kì, thì quá trình văn học chỉ sự vận động của văn học trong tổng thể. Nó bao gồm không chỉ là tất cả các tác phẩm văn học với chất lượng cao thấp khác nhau, mà còn bao gồm cả các hình thức tồn tại của văn học như truyền miệng hay chép tay, ấn loát, xuất bản, báo chí, các thành tố của đời sống văn học như nhà văn và người đọc, các hình thức hội đoàn, hoạt động phê bình, nghiên cứu, ảnh hưởng qua lại giữa văn học với các loại hình nghệ thuật khác, các hình thái ý thức xã hội khác, nhất là chính trị, triết học, đạo đức, ảnh hưởng qua lại của văn học viết và văn học dân gian,…

Qua toàn bộ tổng thể quá trình văn học ấy, người ta thấy được sự hình thành, phát triển của văn học như một hình thái ý thức xã hội đặc thù, một loại hình nghệ thuật, trong đó có quá trình đổi thay về bản chất, chức năng văn học, ý thức văn học, tiếp nhận văn học, hình thức văn học. Khái niệm quá trình văn học cung cấp một cái nền để cho ta có thể nhận ra ý nghĩa của từng hiện tượng văn học lớn đóng góp cho sự phát triển của văn học.

Là một bộ phận của lịch sử xã hội, quá trình văn học có thể lí giải bằng lịch sử xã hội. Tuy nhiên là một hiện tượng đặc thù, quá trình văn học lại có các quy luật riêng, trên hình thức tồn tại của nó như chữ viết, ấn loát, giao lưu,… Chẳng hạn, nếu lấy thế kỉ XVII làm ranh giới phân chia lịch sử văn học nhân loại, thì trước thế kỷ XVII, mọi sự vận động của văn học đều có khuynh hướng nhằm tách ra khỏi hình thức tư duy nguyên hợp cổ đại là cái cây trí tuệ chung của nhân loại để thiết lập cho mình một vương quốc đặc thù.

Thế kỷ XVII là đỉnh cao của quá trình ấy. Từ thế kỷ XVIII, văn học lại có khuynh hướng mở cửa, xé rào để xâm nhập vào các hình thái ý thức khác. Về cơ bản, trước thế kỷ XVII, ở châu Âu, văn học tồn tại trong hình thức cổ điển của nó. Các quá trình văn học thời ấy thường vận động khép kín trong phạm vi của các dân tộc. Từ thế kỷ XVIII văn học tồn tại trong hình thức hiện đại. Mỗi tác phẩm văn học giờ đây có thể hàm chứa tất cả những yếu tố khác nhau của hệ thống thể loại văn học chính thống trước kia. Quá trình văn học bắt đầu vận động trong mối quan hệ tương tác vô cùng phức tạp giữa các trào lưu, khuynh hướng và phong cách nghệ thuật khác nhau. Cùng với sự mở rộng giao lưu kinh tế và văn hoá trong thời đại tư bản chủ nghĩa, “một nền văn học toàn thế giới được hình thành trên cơ sở của vô số các nền văn học dân tộc và khu vực” (C. Mác).

Nghiên cứu quá trình văn học cho ta thấy sự xuất hiện của các hiện tượng văn học như : tác giả văn học, các quan niệm văn học, trào lưu, phê bình văn học, nghiên cứu văn học, ý thức về đặc trưng văn học, ngôn ngữ văn học, các mô hình văn học, phong cách, và phương pháp sáng tác, các hình thức giao lưu, ảnh hưởng, tiếp nhận sự tự ý thức của người đọc,… Các hiện tượng này không phải tự sinh, mà chỉ xuất hiện có quy luật trong quá trình văn học.

Mọi hiện tượng của quá trình văn học đều có tiền đề sâu xa, trực tiếp hay gián tiếp trong đời sống văn hoá, xã hội và lịch sử nói chung hững bước ngoặt của quá trình văn học không phải bao giờ cũng trùng khít với bước ngoặt của lịch sử xã hội. Nhưng mỗi bước ngoặt của lịch sử xã hội thường tác động trực tiếp tới đời sống văn học và sớm hay muộn sẽ kéo theo sự vận động của nó.

Do đó, hoàn toàn có thể phân chia quá trình văn học thế giới thành các thời đại tương ứng với các thời đại trong lịch sử nhân loại, như thần thoại, quá trình văn học cổ trung đại, quá trình văn học cận hiện đại.

Động lực bên trong thúc đẩy sự vận động và phát triển của văn học là cuộc đấu tranh lâu dài giữa khuynh hướng bảo thủ và khuynh hướng cách tân, giữa những nguyên tắc nhận thức con người và thế giới, những tư tưởng và hình thức nghệ thuật đã trở nên già cỗi lạc hậu, với những nguyên tắc nhận thức hiện thực cuộc sống, những tư tưởng và hình thức nghệ thuật mới mẻ, tiên tiến. Chính vì thế, văn học có lịch sử riêng không bị đồng nhất vào lịch sử chính trị, văn hoá một cách giản đơn.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 12:34 Sáng ngày 08/12/2019