Quan họ

Quan họ là một loại dân ca truyền thống của người Việt phát sinh và phát triển lâu đời ở xứ Kinh Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang), chủ yếu ở các làng (được gọi là “làng quan họ”) thuộc các huyện Tiên Sơn, Yên Phong, Việt Yên và thị xã Bắc Ninh.

Làng quan họ là làng có tục hát quan họ một cách có tổ chức, có lề lối được duy trì qua nhiều đời. Những nghệ nhân hát hay ở các làng quan họ được tổ chức thành những đơn vị tập thể theo giới tính (nam hoặc nữ) thường được gọi là “bọn”. Mỗi làng có thể có một hoặc nhiều bọn quan họ. Mỗi bọn quan họ có từ 5 đến 7, 8 người, người phụ trách gọi là “trùm”, các thành viên được gọi theo thứ tự từ hai trở đi (như : anh Hai, anh Ba ; hoặc chị Hai, chị Ba,…).

Mỗi bọn quan họ của mỗi làng có thể kết nghĩa với một bọn quan họ khác giới ở làng khác ; khi đã nhận lời kết nghĩa thì họ coi là anh em, họ hàng, gọi nhau bằng những tiếng tôn kính, trang trọng (“quan họ” hoặc các “liền anh”, “liền chị” không có quan hệ hôn nhân, chỉ thổ lộ tình cảm cao đẹp, thắm thiết với nhau qua lời ca tiếng hát.

Quan họ thường được tổ chức hát vào dịp lễ hội mùa xuân, đặc biệt là tháng giêng âm lịch gắn với ngày hội của từng làng (từ mồng bốn trở đi).

Dân ca quan họ có nhiều nét độc đáo so với các loại hình dân ca khác, xét về cách hát cũng như nhạc điệu và lời ca.

Về cách hát, quan họ thường được hát đôi (ít hát lẻ) và chủ yếu là đối giọng (tức là đối về làn điệu chứ không chỉ đối lời như nhiều loại dân ca khác). Quan họ có khoảng 200 làn điệu (tiếng địa phương gọi là “giọng”) khác nhau (bao gồm các giọng lề lối, giọng thuồng, giọng vặt và giã bạn).

Kết cấu đầy đủ của một bài dân ca quan họ gồm có ba phần là bỉ, thân (vài) và đổ. Bỉ là phần mở đầu có tính chất ngâm vịnh, nhạc điệu thường chậm rãi tự do. Thân là phần chính mang tính ca khúc, tiết tấu rành mạch. Đổ là phần chuyển giọng để báo hiệu sự kết thúc. Kết cấu đầy đủ ba phần như trên thường chỉ ở các giọng vặt; còn ở các giọng lề lối thường chỉ có hai phần (bỉ và thân).

Lời ca quan họ giàu chất thơ, rất trang trọng, hoa mĩ, ít tính mộc mạc, cụ thể, chịu nhiều ảnh hưởng của văn chương cổ điển.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 12:36 Sáng ngày 08/12/2019