Quy tắc tam duy nhất

Quy tắc tam duy nhất (tiếng Anh : three unities) là quy tắc duy nhất về hành động, về thời gian và về địa điểm cho kịch bản văn học của chủ nghĩa cổ điển ở Pháp thế kỷ XVII.

Từ thời cổ đại, ở Hy Lạp, người ta đã nhấn mạnh đến tính duy nhất của hành động kịch. Trong Thi pháp học, A-ri-xtốt cho rằng một vở kịch chỉ được tập trung vào một hành động duy nhất, không được lan man làm ảnh hưởng đến sự phát triển của xung đột kịch ; và đó là điều cần thiết để đạt đến cái đẹp nghệ thuật. Vì vậy, hành động chỉ nên diễn ra trong khoảng thời gian một ngày. A-ri-xtốt không nói gì đến quy tắc duy nhất về địa điểm.

Sau này, nhiều nhà lý luận và nhà viết kịch đã giải thích ý kiến trên theo tinh thần cứng nhắc. Đến thế kỉ XVII, Viện Hàn lâm Pháp đã đề cao quy tắc tam duy nhất theo tinh thần quy phạm của chủ nghĩa cổ điển phù hợp với yêu cầu tư tưởng – thẩm mỹ của tầng lớp quý tộc thời kỳ chế độ quân chủ chuyên chế. Trong cuốn Nghệ thuật thơ ca, Boa-lô viết: Trong một buổi biểu diễn chỉ nên trình bày “một sự kiện xảy ra trên một địa điểm và chỉ trong một ngày thôi.”

Thực ra, ngay từ thời kỳ chủ nghĩa cổ điển, trừ Ra-xin, cũng ít ai tuân theo quy tắc tam duy nhất này. Càng về sau, nó càng trở thành một công thức cứng nhắc gây trở ngại lớn cho sáng tạo nghệ thuật. Chủ nghĩa lãng mạn đã chính thức gạt bỏ quy tắc này.

 

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 12:39 Sáng ngày 08/12/2019