Sáng tác huyền thoại trong văn học thế kỷ XX

Sáng tác huyền thoại trong văn học thế kỷ XX (tiếng Nga : miphologism) Mặc dù thần thoại – với tư cách là ý thức nguyên hợp của các cộng đồng người thời nguyên thuỷ – đã vĩnh viễn lùi vào quá khứ, nhưng các yếu tố thần thoại và tư duy thần thoại vẫn còn được khai thác và sử dụng trong nghệ thuật và tư tưởng của các thời lịch sử về sau.

Đáng chú ý ở thế kỉ XX là xu hướng huyền thoại hóa trong văn học và những hiện tượng huyền thoại hóa ý thức xã hội.

a) Xu hướng huyền thoại trong văn học thế kỷ XX

Nếu văn học thế kỷ XIX và văn học cận đại phát triển theo hướng phi huyền thoại hóa, thì thế kỷ XX, sau khi khắc phục các tâm thế thực chứng – tự nhiên chủ nghĩa và vị kỷ – lãng mạn chủ nghĩa, văn học lại hướng đến sự hòa trộn cái ảo và cái thực của huyền thoại. Một “chủ nghĩa huyền thoại” xuất hiện trong hàng loạt sáng tác của nhiều nhà văn nhiều nước với nhiều kiểu khác nhau: 1) Nhà văn tạo ra một hệ thống huyền tích của mình (ví dụ: Thức canh Phin-nê-gan của Gi. Giôi-xơ, kịch và tiểu thuyết của X. Béc-két, thơ của U.B. Y-ết) ;

2) Tái lập những cấu trúc huyền thoại của tư duy (phá vỡ liên hệ nhân quả, trùng với các bình diện thời gian không gian, đưa ra những nhân vật hai mặt,…) nhằm vạch trần những cơ sở phi lí của cuộc sống (truyện của Ph. Cáp-ca, Gi. Bô-ghét-xơ, A-cu-ta-ga-oa, A. Cô-bô ;

3) Tái lập những cốt truyện thần thoại cổ, ít nhiều “hiện đại hóa” (kịch của Gi. A-nu-i, Gi.P. Xác-tơ-xơ) ;

4) Đưa các môtíp và nhân vật thần thoại cổ vào câu chuyện hiện thực làm cho các hình tượng lịch sử cụ thể mang ý nghĩa phổ quát (Giáo sư Phao-xtơ của T. Man, Nhân mã của Gi. Ấp-đai-cơ) ;

5) Tái hiện những tầng ý thức, sinh hoạt, tín ngưỡng dân gian còn in đậm dấu vết cảm quan thần thoại (A. Các-pen-chi-ê, Gi. A-ma-đô, Ch. Ai-ma-tốp,…);

6) Sử dụng hình tượng ngụ ngôn, triết lí trữ tình hướng về các hằng số cổ xưa, về cuộc sống tự nhiên và nhân loại như ngôi nhà, lúa mì, cái nôi, con đường, nước, núi đồi, tuổi thơ, tuổi già, tình yêu, bệnh tật, cái chết (văn xuôi A. Pla-tô-nốp, Gi. Ca-oa-ba-ta, thơ R.M. Rin-kơ, X. Gi.Péc-xơ,…). Những tác phẩm lớn như Nghệ nhân và Mác-ga-ri-ta của M. Bun-ga-cốp, Trăm năm cô đơn của G. Mác-két thuộc loại tổng hợp các kiểu nói trên.

b) Những hiện tượng huyền thoại hóa ý thức xã hội

Bên cạnh chất thơ mà nghệ thuật các thời đại đã và sẽ khai thác, thần thoại cổ xưa còn mang tính chất khủng bố, dọa nạt, phản ánh sự sợ hãi và sùng bái của con người trước các tai họa khó hiểu của thiên nhiên và xã hội. Mặt thứ hai này của ý thức thần thoại nguyên hợp cổ xưa đã được những thế lực xã hội – chính trị – tôn giáo nhất định ở thế kỷ XX lợi dụng nhằm lũng đoạn ý thức quần chúng, đánh lạc hướng họ khỏi những vấn đề thật sự của đời sống xã hội.

Trên cơ sở đó đã xuất hiện những luồng tư tưởng nhất định (được thực hiện bằng tuyên truyền, nghệ thuật, dư luận,…) ở phạm vi từng nước hoặc nhiều nước. Ví dụ : huyền thoại về dòng máu và nòi giống ưu đẳng (thời kỳ chủ nghĩa phát xít những năm 30 40 thế kỷ XX); huyền thoại về “sức mạnh Mĩ” (những năm 50 – 60 thế kỷ XX) ; các huyền thoại về các lãnh tụ siêu việt nhằm củng cố địa vị tối cao của các độc tài chính trị – quân sự ở một số vùng Á – Phi – Mĩ La-tinh ; huyền thoại về thiên đường của “xã hội dư thừa” và “thế giới tự do” , …

Việc huyền thoại hóa ý thức xã hội thường là một phương của chính sách ngu dân, nó cản trở tư duy khoa học và ý thức dân chủ ; tuy nó chỉ thuận lợi trong điều kiện dân trí còn thấp, nhưng ngay khi phát triển, nó cũng còn có những dạng thức mới. Chỉ có thể khắc phục nó bằng những cố gắng liên tục của sự phân tích khoa học với mọi hiện tượng và vấn đề của tự nhiên và xã hội, của ý thức và của đời sống.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 12:43 Sáng ngày 08/12/2019