Siêu văn bản

Siêu văn bản (tiếng Anh : hypertext) là khái niệm xuất hiện từ giữa những năm 60, do nhà học giả Mỹ là The-o-dor Hom Nen-son (1937), do kết hợp từ tố hyper có nghĩa “siêu”, “trên”, “ngoài” với từ căn text (văn bản) mà thành.

Siêu văn bản theo tác giả của nó là một sự trình bày không liên tục, là thứ văn bản phân nhánh, cho phép người đọc có thể lựa chọn và lắp ghép để đọc theo yêu cầu của mình, như trên màn vi tính. Cũng có khi siêu văn bản được giải thích là vô số tư liệu và hình ảnh liên hệ với nhau theo một phương thức phức tạp nào mà không dễ trình bày lên mặt giấy. Chúng có thể bao gồm cả cẩm nang hướng dẫn sử dụng, bao gồm cả bình chú, bổ sung, cước chú của người biên soạn.

Siêu văn bản trong ý nghĩa hiện tại gắn liền với văn bản điện tử, đáp ứng thời đại bùng nổ thông tin, nhằm tạo cơ hội lựa chọn, xử lí, sáng tạo cho người đọc. Trong ý nghĩa cổ xưa, các tập tuyển kiêm tập chú ý kiến chư gia ngày xưa dành cho người đọc lựa chọn cũng đã là hình ảnh sơ bộ của siêu văn bản.

Nhiều từ điển hiện đại định nghĩa siêu văn bản là một văn bản không bị trói buộc bởi tính hình tuyến, là văn bản không tạo thành một chuỗi đơn nhất, có thể đọc theo các trật tự khác nhau ; đặc biệt là các văn bản, hình ảnh được tổ chức theo phương thức sao cho người đọc trong khi đọc tài liệu này, có thể dừng lại, chuyển sang đọc tài liệu khác, xem tranh, ảnh khác.

Theo ý nghĩa này, các bài thơ cổ thuận nghịch độc, những áng hồi văn, như bài Vũ trung sơn thuỷ của vua Thiệu Trị, những sách tập chú (sách tập hợp các loại chú giải khác nhau của một văn bản vào một chỗ để tiện tra cứu) đều là các siêu văn bản.

Ngày nay một số nhà văn hậu hiện đại chủ nghĩa đã sử dụng kĩ thuật siêu văn bản để sáng tác những tác phẩm như các tập tư liệu, không liên tục để người đọc tự lựa chọn, nối kết, suy đoán, thưởng thức.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 12:46 Sáng ngày 08/12/2019