Song thất lục bát

Song thất lục bát là một thể thơ cách luật của Việt Nam, gồm có những đặc điểm chính sau đây:

a) Mỗi khổ thơ gồm bốn câu. Hai câu đầu : bảy tiếng, câu thứ ba : sáu tiếng, câu thứ tư : tám tiếng. Ví dụ :

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.

(Chinh phụ ngâm)

Trong quá trình phát triển, song thất lục bát có các dạng biến thể sau đây:

– Sự thay đổi trình tự các câu thơ : hai câu 6 và 8 chữ đứng trước hai câu 7 chữ (gọi là lục bát gián thất).

– Số chữ trong mỗi câu tăng lên, câu thơ kéo dài ra. Đa số trường hợp này thường rơi vào các bài thơ dân gian. Do ảnh hưởng của âm nhạc, những bài ca dân gian cần có thêm từ xen vào giữa các câu thơ.

Ví du:

Sông (cạn) biển cạn, lòng ta không cạn

Núi (lở) non mòn, ngãi bạn không quên

Đường còn qua lại xuống lên

Ơn bạn bằng biển ngãi (ta) đền bằng non.

(Dân ca miền Nam Trung Bộ)

Ta có thể khôi phục lại nguyên dạng song thất lục bát nếu bỏ đi một số từ hay âm tiết trong khổ thơ trên.

b) Song thất lục bát có vần lưng kết hợp với vần chân. Xét một khổ thơ theo sơ đồ sau:

1 2 3 4 5 6 7

1 2 3 4 5 6 7

1 2 3 4 5 6

1 2 3 4 5 6 7 8

Chữ thứ năm của câu 2 bắt vần với chữ thứ bảy của câu 1 (vần trắc).

Chữ thứ sáu của câu 3 bắt vẫn với chữ thứ bảy của câu 2 (vần bằng).

Chữ thứ sáu của câu 4 bắt vần với chữ thứ 6 của câu 3 (vần bằng).

Câu 1 và câu có 2 vần lưng bắt với nhau, câu 2 và câu 3 có vần chân bắt với nhau, câu 3 và câu 4 có vần lưng bắt với nhau.

Từ đặc điểm này, có thể khẳng định : song thất lục bát có nguồn gốc dân tộc, không phải là sự kết hợp giữa thể lục bát của ta và thể Đường luật của Trung Quốc (những câu thơ Đường luật cũng bảy chữ nhưng chỉ có vần chân, không có vần lưng),…

c) Nhịp điệu :

Hai câu bảy thường có nhịp : 3/4 hoặc 3/2/2.

Câu sáu có nhịp : 3/3/ hoặc 2/2/2.

Câu tám có nhịp : 4/4 hoặc 2/2 2/2.

Nhìn chung song thất lục bát là thể thơ tương đối tự do, có khả năng dồi dào trong diễn tả tư tưởng, tình cảm. Song thất lục bát phát triển rực rỡ ở nước ta vào cuối thế kỷ XVIII và có sức sống bền vững trong các thời kỳ văn học sau.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 12:49 Sáng ngày 08/12/2019