Tiểu thuyết

Tiểu thuyết (tiếng Pháp : roman, tiếng Anh : novel, fiction) là tác phẩm tự sự cỡ lớn có khả năng phản ánh hiện thực đời sống ở mọi giới hạn không gian và thời gian.

Tiểu thuyết có thể phản ánh số phận của nhiều cuộc đời, những bức tranh phong tục, đạo đức xã hội, miêu tả các điều kiện sinh hoạt giai cấp, tái hiện nhiều tính cách đa dạng.

Ở châu Âu, tiểu thuyết xuất hiện vào thời kì xã hội cổ đại tan rã và văn học cổ đại suy tàn. Cá nhân con người lúc ấy không còn cảm thấy lợi ích và nguyện vọng của mình gắn liền với cộng đồng xã hội cổ đại, nhiều vấn đề của đời sống riêng tư đặt ra gay gắt.

Giai đoạn phát triển mới của tiểu thuyết châu Âu bắt đầu từ thời Phục hưng (thế kỷ XIV – XVI) và đến thế kỷ XIX với sự xuất hiện của các nghệ sĩ bậc thầy như Xtăng-đan, Ban-dắc, Thác-cơ-rây, Đích-kenx, Gô-gôn, L. Tôn-xtôi, Đốt-xtôi-ép-xki, thể loại này đã đạt tới sự nảy nở trọn vẹn. Mầm mống tiểu thuyết ở Trung Quốc cũng xuất hiện sớm, vào thời Ngụy Tấn (thế kỷ III – IV) dưới dạng truyện ghi chép những việc, những người ngoài giới hạn kinh sử.

Tiểu thuyết ở Việt Nam phát triển muộn. Mãi tới đầu thế kỷ XVIII, với sự xuất hiện của Nam triều công nghiệp diễn chí, của Hoàng Lê nhất thống chí, nước ta mới có tác phẩm có quy mô tiểu thuyết (nhiều hồi, hàng trăm nhân vật, bao quát một khoảng thời gian dài hàng trăm năm).

Tuy nhiên, xét về nhiều mặt, Nam triều công nghiệp diễn chí, Hoàng Lê nhất thống chí vẫn thuộc phạm trù tiểu thuyết cổ điển phương Đông. Phải sang đầu thế kỷ XX, nhất là với dòng văn học lãng mạn và hiện thực phê phán, ở Việt Nam mới có tiểu thuyết hiện đại.

Trong quá trình vận động và phát triển, diện mạo của tiểu thuyết không ngừng thay đổi. Tuy vậy, vẫn có thể rút ra một số đặc điểm như sau của thể loại tiểu thuyết :

So với các thể khác của loại tự sự như ngụ ngôn , anh hùng ca (sử thi), thì đặc điểm tiêu biểu nhất của tiểu thuyết là cái nhìn cuộc sống từ góc độ đời tư. Đặc trưng này thoạt đầu được hình thành ngay trong tiểu thuyết cổ đại. Càng về sau đời tư càng trở thành tiêu điểm để miêu tả cuộc sống một cách tiểu thuyết.

Tuỳ theo từng thời kì phát triển, cái nhìn đời tư có thể sâu sắc tới mức thể hiện được, hoặc kết hợp được với các chủ đề thế sự hoặc lịch sử dân tộc. Nhưng yếu tố đời tư càng phát triển thì tính chất tiểu thuyết càng tăng, ngược lại, yếu tố lịch sử dân tộc càng phát triển thì chất sử thi càng đậm đà.

Nét tiêu biểu thứ hai làm cho tiểu thuyết khác với truyện thơ, trường ca, thơ trường thiên và anh hùng ca là chất văn xuôi, tức là một sự tái hiện cuộc sống, không thi vị hóa, lãng mạn hóa, lí tưởng hóa.

Miêu tả cuộc sống như một thực tại cùng thời, đang sinh thành, tiểu thuyết hấp thụ vào bản thân nó mọi yếu tố ngổn ngang bề bộn của cuộc đời bao gồm cái cao cả lẫn cái tầm thường, nghiêm túc và buồn cười, bi và hài, cái lớn lẫn cái nhỏ. Chất văn xuôi như vậy thể hiện rất rõ trong tiểu thuyết của Ban-dắc, Xtăng-đan, Phlô-be, L. Tôn-xtôi, Sê-khốp, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao,…

Thứ ba, cái làm cho nhân vật tiểu thuyết khác với các nhân vật sử thi, nhân vật kịch, nhân vật truyện trung cổ là ở chỗ : nhân vật tiểu thuyết là “con người nếm trải”, tư duy, chịu khổ đau, dằn vặt của cuộc đời trong khi các nhân vật kia thường là nhân vật hành động.

Tiểu thuyết miêu tả nhân vật như con người đang biến đổi trong hoàn cảnh, con người đang trưởng thành do cuộc đời dạy bảo. Những Luy-xiêng Xo-ren, Gô-ri-ô của Ban-dắc, An-na Ka-rê-ni-na của L. Tôn-xtôi, Gri-gô-ri Mê-lê-khốp của Sô-lô-khốp, Thứ của Nam Cao đều là những con người nếm trải và tư duy, vì vậy mà rất “tiểu thuyết”.

Thứ tư, thành phần chính yếu của tiểu thuyết không phải chỉ là cốt truyện và tính cách nhân vật như ở truyện vừa và truyện ngắn trung cổ. Ngoài hệ thống sự kiện, biến cố và những chi tiết tính cách, tiểu thuyết miêu tả suy tư của nhân vật về thế giới, về đời người, phân tích cặn kẽ các diễn biến tình cảm, trình bày tường tận tiểu sử của nhân vật, mọi chi tiết về quan hệ giữa người và người, về đồ vật, môi trường, nội thất, … Xét từ phương diện này thì Sống mòn của Nam Cao là tác phẩm rất tiểu thuyết.

Thứ năm, tiểu thuyết xóa bỏ khoảng cách về giá trị giữa người trần thuật và nội dung trần thuật của anh hùng ca, để miêu tả hiện thực như cái hiện tại đương thời của người trần thuật. Chính đặc điểm này làm cho tiểu thuyết trở thành một thể loại dân chủ, cho phép người trần thuật có thể có thái độ thân mật, thậm chí suồng sã đối với nhân vật của mình.

Cuối cùng, với các đặc điểm đã nêu, tiểu thuyết là thể loại văn học có khả năng tổng hợp nhiều nhất các khả năng nghệ thuật của các thể loại văn học khác.

Tiểu thuyết thế kỷ XIX – XX đã cung cấp nhiều mẫu mực về sự tổng hợp đó. Chẳng hạn tiểu thuyết sử thi – tâm lý của L. Tôn-xtôi (Chiến tranh và hòa bình), tiểu thuyết kịch của Đốt-xtôi–ép–xki, tiểu thuyết tâm lí – trữ tình của Mác-xen Pru-xtơ (Đi tìm thời gian đã mất), tiểu thuyết thế sự – trữ tình của Go-rơ-ki (Thời thơ ấu, Kiếm sống, Những trường đại học của tôi), tiểu thuyết sử thi – trữ tình của Hê-ming-uê (Chuông nguyện hồn ai), tiểu thuyết sử thi của Sô-lô-khốp (Sông Đông êm đềm), tiểu thuyết trí tuệ của T.Man, tiểu thuyết huyền thoại của G.Mác-két. Ngoài ra, còn có thể nói tới tiểu thuyết tư liệu, tiểu thuyết chính luận.

Chính hiện tượng tổng hợp trên đã làm cho thể loại tiểu thuyết cũng đang vận động, không đứng yên. Nhà nghiên cứu Xô viết Ba-khơ-tin cho rằng, tiểu thuyết là “thể loại duy nhất đang hình thành và chưa xong xuôi “.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 12:07 Sáng ngày 14/01/2020