Núi Geumgang (Núi Kim Cương) nằm ở phía đông của bán đảo Triều Tiên. Núi Geumgang được chia ra làm ba khu vực: Inner Geumgang (Nội Kim Cương), Outer Geumgang (Ngoại Kim Cương) và The Sea Geumgang (Hải Kim Cương). Khung cảnh của Ngoại Kim Cương hùng vĩ tráng lệ nhờ sự tô điểm của những hang động, núi non, thác nước. Hải Kim Cương là sự kết hợp hài hòa giữa vẻ êm đềm của biển cả và vẻ trong xanh tĩnh lặng của các hồ nước khiến du khách bồi hồi lưu luyến.
Tô Đông Pha – một trong những thi sĩ lớn của Trung Quốc thời Tống đã từng ngợi ca: “Nguyện sinh Cao Ly quốc nhất kiến Kim Cương sơn” (Mong được ở Triều Tiên để được một lần tận hưởng vẻ đẹp của núi Kim Cương). Xuất phát từ những đặc điểm của núi Geumgang, người ta gọi nó bằng rất nhiều cái tên. Vào mùa xuân, ánh nắng thuần khiết long lanh trong không gian như ánh sáng sinh ra từ những viên kim cương, do đó người ta gọi nó là núi Geumgang (Kim Cương). Vào mùa hạ, cảnh sắc trở nên tươi đẹp đến huyền ảo, người ta gọi nó là núi Pongrae (Bồng Lai). Vào mùa thu, khắp núi là một màu vàng của lá nên người ta gọi là núi Phungak (Phong Nhạc). Ngoài ra, người ta còn gọi núi Geumgang là Kaegol (Giai Cốt) vì ở đây có những viên đá hình thù kỳ dị giống như xương người.
Non nước hữu tình
Trên núi Geumgang có rất nhiều đỉnh, những đỉnh núi như đuổi theo nhau kéo dài tới tận chân trời, thế nên nó còn mệnh danh là Nhất Vạn Lưỡng Thiên. Trong “Hoa nghiêm kinh” của kinh Phật Thích Ca Mâu Ni cũng có đoạn nhắc đến Nhất Vạn Lưỡng Thiên. Các núi ở phía đông của dãy Geumgang tiềm tàng vẻ nam tính, người ta gọi đây là Ngoại Kim Cương. Phía tây của dãy Geumgang chính là Nội Kim Cương, mang dáng vẻ nữ tính hiền hòa, mềm mại. Khác với Nội Kim Cương và Ngoại Kim Cương, Hải Kim Cương lại đẹp ở những ngọn sóng bạc đầu, những đá núi rêu phong. Ba vùng núi mỗi nơi có một vẻ đẹp độc đáo, thêm vào đó là những thác nước bọt tung trắng xóa một vùng. Quả thực là non nước hài hòa, cảnh đẹp nên thơ.
Ngọn núi chính trong núi Geumgang cao 1.639m so với mực nước biển. Muốn tới được phải băng qua 20 quả đồi cao thấp khác nhau. Hàng năm, núi phải hứng chịu những trận cuồng phong lớn nên cây cối ở đây không thể phát triển được, hầu hết nằm nghiêng ngả. Đứng trên đỉnh này cũng có nghĩa là bạn đã chạm tới đỉnh dãy Geumgang. Từ đỉnh núi, bạn có thể chứng kiến cảnh bình minh với hình ảnh mặt tròi từ từ nhô khỏi chân trời đằng đông và cảnh hoàng hôn khi ánh chiêu đang dần phai ở nơi đây.
Trong muôn trùng non xanh này có rất nhiều thác nước hùng vĩ và hang động sâu thẳm. Có thể kể đến thác Cửu Long của dãy Ngoại Kim Cương, đây là một trong ba thác nước lớn nhất của Triều Tiên. Từ độ cao hơn 70m, thác Cửu Long chia thành 9 dòng đổ xuống chân núi, giống như 9 con rồng đang vờn nước. Dưới sức chảy ngày này qua tháng khác của dòng thác, phía chân núi hình thành nên một đầm sâu. Tương truyền 9 con rồng đã trú ngụ tại đây nên người ta gọi là đầm Cửu Long. Tiếng nước của thác Cửu Long chảy xuống hang Cửu Long tạo nên âm thanh vang động cả một vùng, chấn động cả dãy núi. Phía trên thác có chỗ bề mặt bằng phẳng gọi là “Cửu Long Đài”. Đứng ở đây có thể ngắm nhìn được tất cả những đầm nước phía dưới.
Nếu như dãy Ngoại Kim Cương có thác thì Nội Kim Cương cũng có rất nhiều đầm nước lớn. Trong đó, nổi tiếng nhất là khu Vạn Bộc Bát Đàm. Đầm Trân Châu trong khu này, nước trong tựa thạch anh, trên tảng đá lớn bên đầm có khắc hai chữ “Thủy Liêm”. Chân vách núi phía bên phải có tảng đá hình con rùa đen đang vươn dài cổ. Các đầm nước còn lại cũng đều để lại trong lòng du khách những ấn tượng khó phai.
Thác Ngọc Vĩnh là thác tiêu biểu cho khu vực Nội Kim Cương. Đây cũng là một trong bốn thác nước lớn nhất của dãy Kim Cương. Vào mùa hạ và mùa thu cây cối um tùm, kết thành tầng tầng lớp lớp, chỉ có ánh mặt trời ngắn ngủi buổi sáng sớm mới có thể chiêu xuống được thác Ngọc Vĩnh. Do đó, người ta còn gọi nó là Thác Triều Dương. Thác này được phân thành hai đoạn: đoạn trên từ đỉnh chảy xuống một hõm núi, sau đó, nước ở đây lại đổ tiếp xuống hồ hình tròn dưới chân núi. Quả là một cảnh đẹp kỳ vĩ, khắc sâu trong tâm trí những ai đã từng một lần thưởng ngoạn.
Chùa Thạch Phật
Theo truyền thuyết, xưa có một vị Bồ Tát thường dẫn theo một vạn hai ngàn tiểu đồng tới núi Geumgang để giảng kinh Phật, từ đó nơi đây trở thành nơi phát tích của Phật giáo Triều Tiên. Cho đến tận ngày nay, trên núi vẫn còn in đậm những di chỉ Phật giáo như; Tháp đá, đèn đá, tượng Phật, bia đá.
Chùa Thạch Phật nằm trên dãy Ngoại Kim Cương. Đây là ngôi chùa lớn nhất trên núi. Ngôi chùa đã mang theo bao dấu tích của thời gian, chứng kiến
nhiều đổi thay của cuộc sống, đến nay, người ta cũng không thể nhớ được ngôi chùa đã bao nhiêu tuổi. Đến đầu thế kỷ XV, ngôi chùa còn rất rộng, cả thảy có đến hơn 300 gian. Trước khi bị Nhật Bản chiếm đóng, khung cảnh ngôi chùa vẫn đầy vẻ nguy nga, nhưng sau này do chịu sự tàn phá khốc liệt của cuộc chiến tranh Triều Tiên nên ngôi chùa chỉ còn lại nền móng.
An Naenara là một chiếc am nhỏ trên núi Kim Cương. Tương truyền do hòa thượng Naenara dựng vào năm 627 bằng cách lợi dụng động tự nhiên. Đây là một trong những chiếc am đặc biệt nhất trên núi Kim Cương vì nó được đỡ bằng chiếc cột đồng cao 7,3m. Chiếc am hiện tại do người Triều Tiên xây dựng lại sau này việc xây dựng chiếc am cũng biến chiếc động tự nhiên thành nơi thiêng liêng trong con mắt mọi người.
Núi Geumgang là hình ảnh tượng trưng cho đất nước Triều Tiên, là linh hồn của dân tộc Triều Tiên.
Vẻ đẹp của núi Geumgang có thể làm tâm hồn con người trở nên vui vẻ, thanh thản. Đắm mình trong cảnh sắc huyền ảo đó ta có thể cảm thụ rõ nét về văn hóa dân tộc Triều Tiên.