Văn tế

Văn tế là một loại văn gắn với phong tục tang lễ chủ yếu nhằm bày tỏ sự thương tiếc của tác giả và của những người thân đối với người đã mất.

Nội dung văn tế thường xoay quanh hai ý chính : một là kể về cuộc đời người quá cố ; hai là bộc lộ tình cảm, thái độ của người sống trong giờ phút vĩnh biệt. Mặc dù trong văn tế có những đoạn tự sự, kể lại cuộc đời của người quá cố, nhưng căn bản nó thuộc loại trữ tình.

Âm điệu chung của nó là bi thương. Tuy nhiên, sắc thái biểu cảm và tính chất thẩm mỹ cụ thể thì mỗi bài một vẻ. Có bài mang tính chất chính luận bi tráng (như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, Văn tế Phan Châu Trinh của Phan Bội Châu) ; có bài mang tính chất trào phúng nhẹ nhàng (đặc điểm này thường thấy ở những bài văn tế sống, ví dụ : bài Tế sống vợ của Tú Xương, hoặc châm biếm đả kích sâu cay (như nhiều bài văn tế nói về bọm trùm đế quốc thực dân trong văn học cách mạng thời Pháp thuộc).

Về hình thức diễn đạt, văn tế có thể được viết theo nhiều kiểu : kiểu văn xuôi (như bài Văn tế chị của Nguyễn Hữu Chỉnh), kiểu tán (như Văn tế một công chúa của Mạc Đĩnh Chi), kiểu thơ lục bát (như bài Khóc những người bị hi sinh sau vụ Hà Thành đầu độc năm 1908 – tác giả khuyết danh), kiểu song thất lục bát (như Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du), kiểu phú (như bài Văn tế Phan Châu Trinh của Phan Bội Châu),…

Bố cục của bài văn tế thường có bốn đoạn. Đoạn mở đầu (thường khởi xướng bằng hai chữ Thương ôi) luận chung về lẽ sống chết.

Đoạn thứ hai kể công đức người đã chết (thường bắt đầu bằng chữ Nhớ linh xưa). Đoạn thứ ba nói nỗi niềm thương tiếc đối với người chết. Đoạn thứ tư bày tỏ thương nhớ và lời cầu nguyện của người đứng tế (có khi đoạn thứ ba và thứ tư được ghép làm một).

Văn tế vốn có gốc từ lâu đời ở Trung Quốc nhưng không phát triển thành một thể văn quan trọng trong văn học.

Sang Việt Nam, nó phát triển thành một tài quan trọng với nhiều bài văn tế có giá trị văn học cao của các tác giả có tên tuổi. Từ thế kỷ XVIII về trước, văn tế chủ yếu hướng vào sự bộc lộ những tình cảm riêng tư (tình cha con, vợ chồng, anh em, bè bạn,…). Từ thế kỷ XIX, đặc biệt là từ khi Pháp xâm lược nước ta, văn tế được dùng rộng rãi trở thành một công cụ tuyên truyền, loại vũ khí đấu tranh sắc bén của người yêu nước và cách mạng, phản ánh được những tình cảm, tư tưởng của dân tộc và thời đại.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 1:17 Sáng ngày 16/01/2020