Thơ Đường luật

Thơ Đường luật còn gọi là thơ cận thể là thể thơ cách luật ngũ ngôn hoặc thất ngôn được đặt ra từ thời Đường ở Trung Quốc.

Thơ Đường luật có ba dạng chính : thơ bát cú (mỗi bài tám câu), thơ tuyệt cú (mỗi bài bốn câu) và thơ bài luật (dạng kéo dài của thơ Đường luật, trong đó, thơ bát cú, nhất là thất ngôn bát cú (mỗi bài tám câu, mỗi câu bảy chữ) được coi là dạng cơ bản, vì từ đó có thể suy ra tất cả các dạng khác của thơ Đường luật. Vì vậy chỉ cần nêu rõ cấu tạo của thơ thất ngôn bát cú là đủ :

– Về bố cục : bài thất ngôn bát cú gồm bốn phần : đề, thực, luận, kết. Trong đề câu thứ nhất là phá đề, câu thứ hai là thừa đề. Phá đề mở ý của bài thơ, thừa đề tiếp ý của phá để để chuyển vào thân bài.

Thực gồm câu thứ ba và thứ tư, còn gọi là thích thực hay cập trạng, giải thích rõ ý của đề bài. Luận gồm câu thứ năm và thứ sáu, phát triển rộng ý của đề bài. Kết gồm hai câu cuối, kết thúc ý của toàn bài.

Nhìn chung, các nhà thơ có tài năng nhiều khi không để cho bố cục trên gò bó. Do đó khi phân tích những bài thơ xưa không nên lúc nào cũng sử dụng máy móc công thức trên. Đáng chú ý là nhiều nhà nghiên cứu thơ Đường nổi tiếng đời Minh và đời Thanh mà tiêu biểu là Kim Thánh Thán lúc phân tích một số bài thơ bát cú, chỉ chia làm hai phần: nửa trên (thượng bán tiệt) và nửa dưới (hạ bán tiệt).

– Về luật bằng trắc : thơ Đường luật buộc phải theo sự quy định về thanh bằng, thanh trắc trong từng câu và trong cả bài. Hệ thống thanh bằng, thanh trắc được tính từ chữ thứ hai của câu thứ nhất. Nếu chữ này thanh bằng thì bài thơ thuộc loại luật bằng (và ngược lại). Sự sắp xếp các thanh bằng trắc trong thơ Đường chẳng qua chỉ làm cho điệu thơ không đơn điệu. Muốn vậy:

+ Trong mỗi câu, xu hướng chung là các cặp bằng trắc lần lượt thay nhau.

+ Trong mỗi cặp câu, tức trong mỗi liên, các chữ tương ứng của câu số lẻ, số chẵn phải có thanh ngược nhau (trừ chữ thứ năm và thứ bảy trong liên đầu).

+ Trong hai cặp câu kề nhau, nhịp đi của liên trên phải khác nhịp đi của liên dưới. Muốn vậy chữ thứ hai của câu chẵn thuộc liên trên phải cùng thanh với chữ thứ hai của câu lẻ thuộc liên dưới. Sự giống nhau đó gọi là niêm vì đã làm cho hai câu thơ thuộc hai liên “dính” vào nhau.

Điều thứ nhất quy định hệ thống hàng ngang, hai điều sau quy định hệ thống dọc của luật bằng trắc trong một bài thơ Đường luật.

Ví dụ:

Công thức của một bài thơ luật bằng :

B B T T T B B (vần)

T T B B T T B (vẫn)

niêm

T T B B B T T

B B T T T B B (vần)

niêm

B B T T B B T

T T B B T T B (vần)

niêm

T T B B B T T

B B T T T B B (vần)

Trên thực tế, ít người sáng tác dập khuôn theo công thức trên nên sinh ra lệ “bất luận”, “nhất, tam, ngũ bất luận ; nhị, tứ, lục phân minh”.

Về cách đối : Đối ở phần thựcluận. Tuy nhiên, cũng có bài chỉ đối ở một phần.

Ngược lại, cũng có bài đối ở cả ba liên hoặc bốn liên. Về nguyên tắc, các từ đối nhau phải cùng từ loại, song, một mặt, do quan niệm về từ loại của người xưa chưa thật rõ ràng, mặt khác, do các nhà thơ có tài thường thích dùng các kiểu đối khác nhau như đối lưu thuỷ, tức đối tẩu mã hay hoạt đối (lời thơ cũng như ý của câu thứ hai là do câu thứ nhất trượt xuống, không thể đứng một mình), tá đối (mượn âm hoặc nghĩa của một từ khác để đối), điệu đối (chủ yếu là đối về âm điệu) tự đối hay tiểu đối, đương cú đối (đối trong nội bộ một câu là chính), khoan đối (đối không thật chỉnh),… nên không thể dùng máy móc công thức trên để phân tích thơ Đường luật.

– Về cách gieo vần : thơ Đường luật chỉ gieo một vần và gieo vần bằng (vần nằm ở các câu 1, 2, 4, 6, 8). Riêng chữ cuối ở câu thứ nhất, đặc biệt là ở câu ngũ ngôn, có thể gieo vần hoặc không.

Trong quá trình sử dụng thơ Đường luật các nhà thơ đã sáng tạo thêm một số biệt thể.

Tiệt hạ (ý, lời của mỗi câu thơ đều lơ lửng chưa dứt), yết hậu (thơ tứ tuyệt mà câu cuối chỉ có một vài chữ), thủ vĩ ngâm (câu một giống câu tám), hồi văn hay thuận nghịch độc (đọc xuôi hay ngược đều có nghĩa), liên hoàn (hai bài đi kèm nhau mà câu cuối bài trên giống câu đầu bài dưới), ô thước kiều (một vài chữ cuối bài trên giống một vài chữ đầu bài dưới), lục ngôn (mỗi câu sáu chữ mà vẫn theo đúng niêm luật), phong yêu (chỉ có một liên sáu chữ), bán cổ bán luật (có hai hay bốn câu đều viết theo lối cổ phong), cô nhạn xuất quần (cố tình

để lạc vần ở câu một), cô nhạn nhập quần (cố tình để lạc vần ở câu tám), phú đắc (đầu bài là một câu thơ có sẵn hay là một câu tục ngữ phong dao), hạn tự (trong bài phải nhắc đến một số chữ quy định), họa vận (làm một bài thơ đối đáp với một bài có sẵn theo một số quy định nào đó, như nhắc lại vần của bài xướng,…)

Nhiều nhà thơ Việt Nam như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Tú Xương, Nguyễn Khuyến,… đã sử dụng thể thơ Đường luật để viết nhiều bài thơ có giá trị.

Do tính chất gò bó về mặt hình thức, đối với số đông người làm thơ hiện nay, thơ Đường luật khó diễn đạt được một cách đầy đủ, sinh động những tình cảm phóng khoáng, phong phú của con người hiện đại. Tuy vậy, thơ Đường luật vẫn xuất hiện trên một số lĩnh vực nhất định trong cuộc sống văn hoá của nhân dân ta (như họa thơ trong các ngày lễ, ngày tết, thơ châm biếm, thơ mừng xuân,…).

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 10:52 Chiều ngày 13/01/2020