Tiền đề tiếp nhận

Tiền đề tiếp nhận (tiếng Đức : rezeptionsvorgabe) là khái niệm do nhà lí luận M. Nau-man đề xuất. Dựa vào lí thuyết sản xuất và tiêu dùng để thuyết minh quan hệ tác phẩm và công chúng, ông cho rằng tác phẩm là nhân tố hàng đầu, có tính quyết định, còn tính năng động của người đọc là thứ yếu, phụ thuộc.

Trong hoạt động tiếp nhận tác phẩm đóng vai trò “điều khiển”, nó không chỉ sáng tạo ra nhu cầu tiếp nhận, mà còn cung cấp tài liệu để thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận đó.

Mỗi tác phẩm văn học ưu tú đều có một ý nghĩa nội tại và một cấu trúc vốn có, có cá tính và một chuỗi các đặc điểm quy định trước quá trình và phương thức tiếp nhận đối với người đọc, quy định cả hiệu quả và cách đánh giá. Do vậy tác phẩm là “tiền đề tiếp nhận”.

Theo Nau-man, trong quá trình tiếp nhận, người đọc chỉ hiện thực hóa các tiền đề của tác phẩm. Người đọc chỉ tự do trong phạm vi tác phẩm mà thôi, mọi cách giải thích đối với tác phẩm chỉ là thực hiện cái tiềm năng về nội dung và hình thức của tác phẩm.

Do đó hiệu quả tiếp nhận trước hết do chất lượng nghệ thuật của tiền đề tiếp nhận quyết định. Tác phẩm có tư tưởng càng sâu sắc, nghệ thuật càng độc đáo, thì hiệu quả tiếp nhận càng cao, càng mạnh mẽ.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 12:01 Sáng ngày 14/01/2020