Tiểu thuyết mới

Tiểu thuyết mới (tiếng Anh : new-novel) là thuật ngữ ước lệ dùng để chỉ sáng tác của một loạt nhà văn Pháp những năm 50 – 70 của thế kỷ XX (Na-ta-li Xa-rốt, A-lanh Róp-bơ-Gri-dê, M. Buy-to, C. Xi-mông,…) ; những nhà văn này tuyên bố rằng kĩ thuật tiểu thuyết truyền thống đã cạn kiệt và công bố ý đồ tạo ra một kiểu trần thuật không có cốt truyện và không có nhân vật.

Các nhà “tiểu thuyết mới” cho rằng bản thân khái niệm cá nhân (như cách nó được lý giải và mô tả trong khuôn khổ của văn hóa tự sự quá khứ) đã trở nên cổ lỗ. Việc cải tổ cấu trúc văn xuôi được họ tiến hành theo nhiều hướng như : “Chủ nghĩa đồ vật” của A-lanh Róp-bơ – Gri-dê (nhấn mạnh lối mô tả vô cảm các đồ vật, vật thể của ngoại giới), trò truyện thầm ở Xa-rốt (bản năng đối thoại nội tại của cái vô thức).

Trong nhiều trường hợp, các thủ pháp của các nhà tiểu thuyết mới có sức chứa nội dung. Tuy nhiên, việc chối bỏ sự miêu tả các tính cách toàn vẹn, việc cố ý không triển khai cốt truyện, việc phủ nhận năng lực nhận thức của nghệ thuật với mục đích đánh giá ý nghĩa hiện thực của nó nhiều khi đã thu hẹp sự thể nghiệm của họ và những người kế tục họ, quay chúng về cái gọi là việc “viết ra văn bản”, khiến họ lâm vào cái bế tắc của một kỹ nghệ viết lách tự thân.

Tuy không có những thành tựu lớn, nhưng tiểu thuyết mới vẫn là một trong những dấu hiệu bề ngoài của những chuyển biến sâu xa bên trong của nghệ thuật tiểu thuyết thế kỷ XX.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 12:13 Sáng ngày 14/01/2020