Truyền thuyết (tiếng Anh : legend) là một thể loại truyện dân gian mà chức năng chủ yếu là phản ánh và lý giải các nhân vật và sự kiện lịch sử có ảnh hưởng quan trọng đối với một thời kỳ, một bộ tộc, một dân tộc, một quốc gia hay một địa phương (ví dụ : truyền thuyết về Thánh Gióng, về An Dương Vương, về Hai Bà Trưng, về Lê Lợi, về Nguyễn Huệ,…).
Ở Việt Nam, truyền thuyết hình thành từ thời Hùng Vương dựng nước và phát triển liên tục, mạnh mẽ qua các giai đoạn lịch sử của dân tộc, đặc biệt là dòng truyền thuyết chống ngoại xâm.
Tuỳ theo đặc điểm nội dung và nghệ thuật, truyền thuyết có thể được chia thành nhiều tiểu loại hoặc bộ phận khác nhau, trong đó tiêu biểu và có giá trị nhất là bộ phận truyền thuyết thời kì Văn Lang – Âu Lạc.
Truyền thuyết bắt nguồn từ thần thoại, và có quan hệ với thần thoại về nhiều phương diện. Ở nước ta có nhiều truyện dân gian mang tính chất lưỡng tính, tính chất trung gian quá độ giữa thần thoại và truyền thuyết (ví dụ : truyện Họ Hồng Bàng, truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, truyện Sơn Tinh – Thuỷ Tinh,…).