Tuồng còn gọi là hát bộ hay hát bội. Là một loại kịch hát truyền thống của người Việt Nam, phát triển song song và độc lập với chèo và sau này với ca kịch cải lương.
Mục lục
[Ẩn]Hình thành
Tuồng hình thành từ thời Lý – Trần dưới hình thức “cảnh tượng”, phát triển mạnh ở Đàng Ngoài dưới thời Lê Mạt và ở Đàng Trong dưới thời Nguyễn. Khi nhà Nguyễn bắt đầu suy và quân Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam, tuồng cũng bắt đầu quá trình phân hóa. Sang đầu thế kỷ XX, tuồng cũng như chèo được cải cách, đổi mới, hiện đại hóa cho phù hợp với thị hiếu của công chúng ở thành thị và mất dần truyền thống, sống thoi thóp, khó khăn trước sự xuất hiện và bành trướng của các hình thức nghệ thuật sân khấu mới, đặc biệt là ca kịch cải lương Nam Bộ. Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, cũng như chèo, tuồng từng bước được chú ý nghiên cứu khôi phục và nâng cao.
Có lẽ vì trong tuồng diễn viên phải mang nhiều thứ trang phục (râu ria, hia giấy, mũ mão, cân đai,…) nên được gọi là hát bội (bội có nghĩa là “đeo”, “mang”). Còn từ bộ thì có người cho là do từ bội biến âm mà thành, có người lại cho là vì trong tuồng diễn viên vừa hát vừa làm điệu bộ nên được gọi là hát bộ.
Phân loại
Tuồng có hai loại là tuồng thầy và tuồng đồ.
– Tuồng thầy (hay còn gọi là tuồng pho) là tuồng mang tính chất bác học, từ biên soạn vở đến việc tập luyện và trình diễn được làm công phu, chặt chẽ đúng quy cách (tích trò thường lấy trong các sách sử, sách truyện Trung Quốc). Phần lớn các vở tuồng thầy có giá trị trong thời phong kiến (như Sơn hậu, Tam Nữ đồ vương,…) đều đề cao tư tưởng trung quân, ái quốc, ca ngợi những nhân vật anh hùng hi sinh vì nghĩa lớn.
– Tuồng đồ là loại tuồng bình dân đậm đà sắc thái dân gian, hướng vào đề tài sinh hoạt và châm biếm xã hội, đả kích quan lại địa phương, giàu yếu tố hài hước. Tuồng đồ vẫn dùng thể văn vần nhưng diễn viên nói nhiều hơn hát, động tác gần tự nhiên hơn hát, rất ít những động tác cách điệu của tuồng cung đình. Những vở tuồng đồ quen thuộc, tiêu biểu là Nghêu Sò Ốc Hến, Trương Ngáo, Trần Bồ, Trương đồ nhục, Nghĩa Hồ,… Tuồng đồ là sản phẩm thời kì phong kiến suy vong (cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX) chủ yếu thịnh hành ở các tỉnh miền Nam Trung Bộ, đặc biệt là vùng Bình Định, Quảng Ngãi.