Tác phẩm văn học

Tác phẩm văn học (tiếng Anh : work, tiếng Pháp : oeuvre) là công trình nghệ thuật ngôn từ do một cá nhân hoặc tập thể sáng tạo nhằm thể hiện những khái quát bằng hình tượng về cuộc sống con người, biểu hiện tâm tư, tình cảm, thái độ của chủ thể trước thực tại.

Tác phẩm văn học có thể tồn tại dưới hình thức truyền miệng hay hình thức văn bản nghệ thuật được ghi giữ qua văn tự, có thể được viết bằng văn vần hay văn xuôi.

Các tác phẩm văn học có dung lượng rất khác nhau và có thể chia thành ba loại hình cơ bản : tác phẩm tự sự, tác phẩm kịch, tác phẩm trữ tình.

Mỗi tác phẩm văn học là một hệ thống phức tạp bao gồm nhiều yếu tố như chủ để , tư tưởng, kết cấu, ngôn ngữ, hình tượng…, còn có thể kể thêm các yếu tố : nhân vật, cốt truyện ,… đối với các tác phẩm tự sự và kịch. Ở những tác phẩm văn học có giá trị, sự kết hợp hài hòa và tác động qua lại giữa các yếu tố ấy khiến tác phẩm trở thành một chỉnh thể nghệ thuật mang tính thống nhất hữu cơ, biện chứng giữa nội dung thẩm mỹ và hình thức nghệ thuật.

Trong nghiên cứu văn học, tác phẩm văn học – sáng tác của một nhà văn, sáng tác của một trào lưu, nền văn học một dân tộc đều được xem là những chỉnh thể nghệ thuật. Trong các chỉnh thể nghệ thuật ấy, tác phẩm văn học là chỉnh thể nghệ thuật cơ bản nhất.

Tính phức tạp của tác phẩm văn học không chỉ biểu hiện qua cấu trúc nội tại của bản thân nó, mà còn biểu hiện qua hàng loạt quan hệ khác. Với người sáng tạo, tác phẩm văn học là nơi kí thác, nơi khẳng định quan điểm nhân sinh, lý tưởng thẩm mỹ. Vì vậy người ta nói đến “tấc lòng” của tác giả “gửi gấm” qua tác phẩm. Với hiện thực khách quan, tác phẩm văn học là hình ảnh phản ánh đời sống, là tấm gương ghi giữ diện mạo lịch sử của một thời kì một đi không trở lại và dự báo tương lai. Với người đọc, tác phẩm văn học là đối tượng tích cực của cảm thụ thẩm mỹ… Dĩ nhiên, trong thực tế, những quan hệ phức tạp ấy luôn xuyên thấm lẫn nhau, không thể phân tách một cách máy móc.

Xét từ chức năng giao tiếp, đời sống lịch sử và hình thức tồn tại thì tác phẩm văn học không phải là một sản phẩm cố định bất biến, một đối tượng vật thể mà là một quá trình. Tác phẩm là tổng thể của các quá trình khác nhau – một hệ thống thường xuyên diễn ra những biến đổi đa dạng có trật tự : biến đổi về văn bản (chẳng hạn, có nhiều dị bản Truyện Kiều và ta đang tìm kiếm một bản Kiều đúng với nguyên tác hơn cả), và biến đổi về sự cảm thụ đối với tác phẩm (chẳng hạn, dưới thời phong kiến, Truyện Kiều chủ yếu được cảm nhận như là một truyện tình chung thuỷ có nhiều oan khổ, ngày nay, chủ yếu nó được cảm nhận như một truyện nói về quyền sống con người, số phận của phụ nữ, tố cáo chế độ phong kiến,…).

Như vậy, tác phẩm văn học là sự thống nhất giữa phần khái quát đã được mã hóa trong văn bản và phần cảm nhận, khám phá của người đọc. Tiếp nhận là điều kiện chủ quan của tồn tại tác phẩm. Những chủ để, để tài, tư tưởng, kết cấu, phong cách,.. chỉ nhờ tiếp nhận mới bộc lộ hết tiềm năng khái quát và ý nghĩa của chúng. Những tác phẩm văn học tầm cỡ, có chiều sâu luôn dành cho người đọc những điều mới mẻ để phát hiện, chiêm nghiệm, suy ngẫm.

Nhưng mặt khác, tác phẩm văn học vẫn mang tính xác định (văn bản, phương tiện biểu hiện, kết cấu,..) không cho phép người đọc tuỳ tiện suy diễn chủ quan, gán ghép ý nghĩa cho nó.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 1:52 Sáng ngày 30/12/2019