Trường ca (tiếng Pháp: poème) là tác phẩm thơ có dung lượng lớn, thường có cốt truyện tự sự hoặc trữ tình. Trường ca (poème) cũng được dùng để gọi các tác phẩm sử thi (épopée) thời cổ và thời trung đại, khuyết danh hoặc có tác giả.
Cho đến nay người ta đã biết nhiều dạng thể loại trường ca : trường ca anh hùng, trường ca châm biếm, trường ca có cốt truyện lãng mạn, trường ca mang tính kịch trữ tình,… Được coi như nhánh chủ đạo của thể loại là những trường ca thể hiện đề tài lịch sử toàn dân hoặc đề tài lịch sử toàn thế giới (đề tài tôn giáo) của Viếc-gin, Thần khúc của Đan-tê, Lu-xi-át của L. Ca-mo-en-xơ, Giải phóng Giê-ru-da-lem của T.Ta-xô, Thiên đường đã mất của Gi.Min-tơn,…). Một nhánh khác, rất có ảnh hưởng trong lịch sử thể loại là trường ca với những đặc điểm cốt truyện lãng mạn (Dũng sĩ áo da hổ của Sô-ta Rút-xta-ven-li, Chàng Ro-lăng cuồng nộ của L. A-ri-ô-xtô) vốn gắn với truyền thống tiểu thuyết hiệp sĩ trung đại. Dần dần trong trường ca các đề tài cá nhân, triết lý đạo đức được đề lên hàng đầu, các yếu tố kịch – trữ tình được tăng cường, các truyền thống dân gian được phát hiện và khai thác. Đây là đặc điểm của các trường ca tiền lãng mạn (của Gi. Mác-phéc-xơn, U. Xcốt). Thời thịnh vượng của trường ca là thời chủ nghĩa lãng mạn, nhiều trường ca có giá trị xuất hiện ở nhiều nước. Các tác phẩm trường ca chiếm vị trí đỉnh cao của thể loại thời kì này thường nghiêng về tính triết lí – xã hội (Gi. Bai-rơn, A. Pu-skin, A. Mi-xki-ê-vích, M. Léc-man-tốp, H. Hai-nơ). Cuối thế kỷ XX, lúc thể loại đang suy thoái, vẫn xuất hiện một số trường ca xuất sắc đồng thời cũng có những trường ca theo xu hướng hiện thực (N.Nhê-cra-xốp).
Sang thế kỷ XX, trường ca phát triển theo hướng trữ tình không có cốt truyện, các xúc cảm cá nhân thường gắn với các chấn động lịch sử lớn lao (các trường ca của V. Mai-a-cốp-xki, X. Ê-xê-nhin, A. Blốc, B. Pa-xtéc-nác, A. Tơ-va-đốp-xki, T. Ê-li-ốt, P. Nê-ru-đa, P. Ê-luy-a,…)
Ở Việt Nam các truyện thơ dài như Truyện Kiều, Tiễn dặn người yêu,… được gọi là truyện thơ, các tác phẩm trữ tình dài được gọi là ngâm khúc. Tên gọi “trường ca” một thời dùng chỉ các sử thi dân gian như Đam Săn, nay thường được dùng để chỉ sáng tác thơ dài của các tác giả như Bài ca chim chơ rao của Thu Bồn, Theo chân Bác của Tố Hữu.