Thần thoại (văn học)

Thần thoại (tiếng Pháp : mythe) còn gọi là huyền thoại là thể loại truyện ra đời và phát triển sớm nhất trong lịch sử truyện kể dân gian các dân tộc.

Đó là toàn bộ những truyện hoang đường, tưởng tượng về các vị thần hoặc những con người, những loài vật mang tính chất thần kì, siêu nhiên do con người thời nguyên thuỷ sáng tạo ra để phản ánh và lí giải các hiện tượng trong thế giới tự nhiên và xã hội theo quan niệm vạn vật có linh hồn (hay thế giới quan thần linh) của họ. Chẳng hạn thần thoại Việt (dân tộc Kinh) có những truyện như : Thần trụ trời, Rắn già rắn lột, Lúa thần,Chú Cuội cung trăng, Sơn Tinh -Thuỷ Tinh,…

Từ lâu thần thoại đã trở thành đối tượng nghiên cứu riêng của một ngành chuyên môn (được gọi là khoa thần thoại học – mythologie).

Đầu thế kỷ XIX ở châu Âu đã hình thành một trường phái nghiên cứu được gọi là trường phái thần thoại. Họ quan niệm thần thoại là sự giải thích và nhân cách hóa các hiện tượng tự nhiên mà con người chưa hiểu nổi (như sự vận hành của mặt trời, trăng sao, gió bão,…).

Họ còn cho những nghi lễ, những truyện cổ tích đời sau đều là những tàn dư, những mảnh vụn của thần thoại.

Giữa thế kỷ XIX, cùng với sự hình thành và phát triển của khoa dân tộc học, nhân chủng học, việc sưu tầm, nghiên cứu kho tàng thần thoại của các dân tộc trên thế giới cũng được đẩy mạnh hơn. Ngoài những tư liệu thần thoại của Ấn Độ, Hy Lạp, La Mã đã được sưu tầm, đối chiếu từ trước, nhiều nguồn thần thoại khác (của Ai Cập, Babylon cổ đại,…) cũng được phát hiện thêm. Thời kì này ở châu Âu có thêm nhiều trường phái mới trong việc nghiên cứu lí giải thần thoại (như trường phái nhân chủng học, phân tâm học,…) với nhiều cách kiến giải khác nhau về thần thoại.

Đáng chú ý nhất là sự kiến giải của Mác. Mác gắn thần thoại với thời đại đã sản sinh ra nó và nhận định : Thần thoại nào cũng nhào nặn, chi phối và chinh phục các lực lượng thiên nhiên ở trong trí tưởng tượng và bằng trí tưởng tượng ; thần thoại là tự nhiên và các hình thái xã hội được trí tưởng tượng của dân gian chế biến đi một cách nghệ thuật và vô ý thức.

Thần thoại vừa là tín ngưỡng, vừa là khoa học nghệ thuật tự phát đầu tiên của mỗi dân tộc, do đó, nó có quan hệ với hầu hết các lĩnh vực văn hoá, tinh thần của mỗi dân tộc. Ảnh hưởng của nó rất sâu rộng và lâu dài trong đời sống văn hoá tinh thần của các dân tộc.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 2:02 Sáng ngày 30/12/2019