Truyện cổ tích

Truyện cổ tích (tiếng Nga : rasskaz, tiếng Pháp : récit, tiếng Trung Quốc: dân gian cố sự) là một thể loại truyện dân gian nảy sinh từ xã hội nguyên thuỷ nhưng chủ yếu phát triển trong xã hội có giai cấp với chức năng chủ yếu là phản ánh và lý giải những vấn đề xã hội, những số phận khác nhau của con người trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ khi đã có chế độ tư hữu tài sản, có gia đình riêng (chủ yếu là gia đình phụ quyền), có mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh xã hội quyết liệt.

Mục lục

[Ẩn]

Phân loại

Khái niệm truyện cổ tích có nội dung rất rộng, bao gồm nhiều loại truyện khác nhau về đề tài, về đặc điểm nghệ thuật,… Có thể phân truyện cổ tích thành ba loại chính : truyện cổ tích thần kì, truyện cổ tích sinh hoạt và truyện cổ tích loài vật.

Truyện cổ tích thần kì là bộ phận quan trọng và tiêu biểu nhất của thể loại cổ tích. Ở loại truyện này nhân vật chính vẫn là con người trong thực tại, nhưng các lực lượng thần kì, siêu nhiên có một vai trò rất quan trọng. Hầu như mọi xung đột trong thực tại giữa người với người đều bế tắc, không thể giải quyết nổi nếu thiếu yếu tố thần kì (ví dụ : truyện Tấm Cám, truyện Thạch Sanh, truyện Sọ Dừa, truyện Chủ Đồng Tử,…).

Trong truyện cổ tích thần kì, các nhân vật thường bao gồm ba loại chính : nhân vật chính diện hay phe thiện (như Thạch Sanh, công chúa, hoàng tử, Chử Đồng Tử, Sọ Dừa, vợ Sọ Dừa,…), nhân vật phản diện hay phe ác (như Lí Thông, Cám, mẹ Cám,…) và các nhân vật thần kì hoặc vật báu có tác dụng kì diệu (như Tiên, Bụt, Rắn thần, Chim thần, Đàn thần, Cung thần, Niêu cơm thần, Chiếc gậy thần,…).

Truyện cổ tích sinh hoạt (hay cổ tích thế sự) là những truyện cổ tích không có hoặc rất ít yếu tố thần kì. Ở đây các mâu thuẫn, xung đột xã hội giữa người với người được giải quyết một cách hiện thực, không cần đến những yếu tố siêu nhiên. Những yếu tố thần kì nếu có cũng không giữ vai trò quan trọng và nhiều khi chỉ là đường viền cho câu chuyện thêm vẻ li kì, hấp dẫn mà thôi (ví dụ : truyện Vợ chàng Trương, truyện Sự tích chim hít cô, Sự tích con muỗi, truyện Cây tre trăm đốt,…).

Truyện cổ tích loài vật là loại truyện cổ tích chủ yếu lấy các loài vật (phần lớn là động vật) làm đối tượng phản ánh, tường thuật và lí giải. Loại truyện này ở thời kì cổ xưa hầu hết các dân tộc đều có. Ở đây các loài vật được nhân cách hóa một cách hồn nhiên trong trí tưởng tượng của nhân dân thời cổ. Ở Việt Nam, do những truyện cổ tích loài vật không được sưu tầm ghi chép sớm nên tính chất cổ xưa, hồn nhiên chất phác của chúng không còn nguyên vẹn. Nhiều truyện cổ tích loài vật đã biến tướng trở thành truyện ngụ ngôn hoặc có tính chất ngụ ngôn, ví dụ : Sự tích con công và con quạ, truyện Vì sao trâu không có hàm răng trên,…

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 12:43 Sáng ngày 14/01/2020