Văn học thiếu nhi

Văn học thiếu nhi theo nghĩa hẹp, văn học thiếu nhi gồm những tác phẩm văn học hoặc phổ cập khoa học dành riêng cho thiếu nhi. Tuy vậy, khái niệm văn học thiếu nhi cũng thường bao gồm một phạm vi rộng rãi những tác phẩm văn học thông thường (cho người lớn) đã đi vào phạm vi đọc của thiếu nhi, như Đôn Ki-hô-tê của M. Xéc-van-tex, Rô-bin-xơn Co-ru-xô của Đ.Đi-phô, Gu-li-vơ du kí của Gi.Xuýp-tơ, Túp lều bác Tôm của H.Bi-sơ – Xtâu,…

Từ lâu đã có một bộ phận sáng tác văn học dành riêng cho thiếu nhi. Những cuốn sách đầu tiên thuộc loại này là những cuốn sách có nội dung giáo khoa và đạo lý ở sách học vần, sách bách khoa, sách về các quy tắc ứng xử trong xã hội, xuất hiện ở châu Âu các thế kỷ XIV – XVI và đặc biệt phát triển vào thời kỳ Khai sáng.

Tính giáo huấn được người ta coi là những đặc điểm quan trọng của văn học thiếu nhi. Bởi vậy, cho đến giữa thế kỷ XIX, những tác phẩm viết dành riêng cho thiếu nhi vẫn nằm ngoài phạm vi của văn học, trong khi đó, những tác phẩm văn học viết cho người lớn lại đi vào phạm vi đọc của trẻ em, nhất là các loại truyện viết theo môtíp phônclo, loại cổ tích và một số tiểu thuyết và truyện thuộc thể loại phiêu lưu.

Ở thế kỷ XX, văn học thiếu nhi phát triển khá đa dạng và pha tạp.

Tại nhiều nước phát triển, nó ít nhiều còn bị chi phối bởi xu hướng thương mại, bị pha trộn với sự bành trướng của văn học đại chúng.

Ở Việt Nam, hầu như đến thế kỉ XX mới xuất hiện văn học thiếu nhi. Đến nay đã có sự phát triển phân nhánh của thơ cho thiếu nhi (bên cạnh thơ cho người lớn), hoặc trong văn xuôi cho thiếu nhi đã hình thành các loại truyện : truyện sinh hoạt, truyện cổ tích (sáng tác hiện đại theo lối cổ tích), truyện loài vật, truyện lịch sử,…

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 1:10 Sáng ngày 16/01/2020