Tết Trung thu là một trong những lễ hội cổ truyền của Việt Nam, được công nhận là “Tết thiếu nhi”, tổ chức các hoạt động đặc biệt như múa lân, đốt pháo hoa, làm đèn lồng và thưởng thức những món ăn truyền thống như bánh Trung Thu. Đặc biệt, Tết Trung thu còn mang ý nghĩa là dịp để các thế hệ gia đình sum họp, chia sẻ niềm vui và tình yêu thương.
Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Trung thu
Tết Trung thu, còn được gọi với các tên như: Tết trông Trăng, Tết hoa đăng hay Rằm Trung thu, là một lễ hội truyền thống quan trọng diễn ra vào ngày Rằm tháng 8 âm lịch hàng năm, tức là ngày 15 tháng 8 – ngày trăng sáng nhất và đẹp nhất. Đây là một dịp lễ đặc biệt được người dân Việt Nam mong chờ và được tổ chức.
Nguồn gốc
Đến nay, vẫn chưa xác minh rõ ràng được lịch sử tết Trung thu bắt nguồn từ văn minh lúa nước của Việt Nam hay tiếp nhận từ văn hóa Trung Hoa. Tuy nhiên, Người Trung Hoa cổ đại lại cho rằng Tết Trung thu bắt nguồn từ thời Xuân Thu. Tết Trung thu tại Việt Nam không biết có tự bao giờ, không có sử liệu nào nói rõ về gốc tích của ngày lễ rằm tháng 8.
Ba truyền thuyết được người ta biết đến nhiều nhất để nói về nguồn gốc của ngày tết Trung thu đó là Hằng Nga và Hậu Nghệ, vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng và sự tích về chú Cuội của Việt Nam.
Những sự tích Tết Trung thu này đã gắn liền với nền văn hóa Việt Nam, trở thành những câu chuyện được truyền từ đời này sang đời khác, đồng thời tạo nên sự độc đáo, ý nghĩa của Tết Trung thu trong quan niệm và truyền thống dân gian Việt Nam.
Theo tích xưa, Tết Trung thu bắt đầu từ đời nhà Ðường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Năm ấy vào đêm khuya rằm tháng tám, gió mát, trăng tròn thật đẹp, trong khi ngự chơi ngoài thành, nhà vua gặp một vị tiên giáng thế trong lốt một ông lão đầu bạc phơ như tuyết. Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chạm mặt đất. Nhà vua trèo lên cầu vồng đi đến cung trăng và dạo chơi nơi cung Quảng khi trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng, nhà vua đặt ra tết Trung thu.
Khi du nhập vào Việt Nam, Tết Trung thu được tổ chức cỗ với bánh trái hình mặt trăng, treo đèn kết hoa, nhảy múa ca hát, múa lân rất tưng bừng. Nhiều nơi có những cuộc thi cỗ, thi làm bánh của các bà các cô. Trẻ em có những cuộc rước đèn và nhiều nơi có mở cuộc thi đèn. Trong các gia đình thường bày cỗ riêng cho trẻ em và trong mâm cỗ xưa thường có ông tiến sĩ giấy đặt ở nơi cao đẹp nhất, xung quanh là bánh trái hoa quả…
Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê – Trịnh thì Tết Trung thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa mà “Tang thương ngẫu lục” đã miêu tả.
Ý nghĩa
Thuở sơ khai, Tết Trung thu được coi là Tết của người lớn. Đây là dịp để mọi người thưởng thức cảnh sắc thiên nhiên khi trời vào thu, uống trà ăn bánh, ngắm ánh trăng rằm tròn vành vạch trên đầu. Con người luôn cho rằng có mối liên hệ giữa cuộc đời và vầng trăng. Trăng tròn và trăng khuyết, niềm vui và nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay. Cũng từ đó trăng tròn là biểu tượng của sum họp, con cháu quay về tụ họp bày tỏ sự biết ơn, chăm sóc, báo hiếu tổ tiên, ông bà và cha mẹ. Vì thế Tết Trung thu còn được coi là dịp để đoàn viên.
Trải qua thời gian, Tết Trung thu dần trở thành ngày Tết của trẻ em. Bố mẹ bày cỗ cho các con để mừng Trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con cầm tay đi chơi rước đèn, chơi đùa thỏa thích khi đêm xuống mà không sợ bị ai trách mắng. Cỗ mừng Trung thu thường có bánh trung thu, kẹo ngọt,… và các thứ hoa quả. Đây là dịp để cha mẹ thể hiện tình thương yêu con cái gia tăng tình cảm gia đình thêm khăng khít.
Theo lời các cụ xưa kể lại, vào ngày rằm tháng tám, trai gái trong làng còn cùng nhau hát điệu Trống quân. Điệu hát này hay được diễn xướng trong những đêm trăng rằm trời sáng, vào dịp Tết Trung thu thì càng thêm thích hợp. Chẳng những để vui chơi giải trí mà đây còn là hình thức để trai gái tìm hiểu nhau trước hôn nhân. Qua tiếng hát để tìm người trăm năm phối ngẫu, dùng những ca từ uyển chuyển để chinh phục trái tim. Người ta dùng những bài thơ làm theo thể thơ lục bát hay lục bát biến thể để hát. Tục hát trống quân theo truyền thuyết đã có từ rất lâu, có từ thời vua lạc long quân.
Ngoài ra, Tết Trung thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia.
Phong tục Tết Trung thu ở nước ta
Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung thu, ban ngày làm cỗ gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Các hoạt động chủ yếu của Tết Trung thu là vui chơi, văn nghệ vui nhộn mang đậm nét đặc trưng như:
Rước đèn trung thu
Trẻ em được ông bà, cha mẹ chuẩn bị chiếc đèn lồng nhiều màu sắc sáng rực rỡ dưới ánh trăng vàng. Rước đèn trung thu là hoạt động không thể thiếu và rất nhiều trò chơi vô cùng hấp dẫn. Ngày này, người lớn cũng có thể thỏa sức vui chơi cùng con trẻ, cùng nhau phá cỗ rước đèn tạo nên một bầu không khí đầm ấm, sum vầy.
Múa Sư tử (múa Lân)
Múa Lân trong dịp tết Trung thu, con Lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà. Đội múa Lân thường gồm có một người đội chiếc đầu Lân và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Ngoài ra còn có thanh la, đèn màu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu Lân,… Đám múa Lân đi trước, người lớn trẻ con đi theo sau.
Phong tục cắt bánh trung thu
Bánh trung thu là món không thể thiếu vào dịp Tết Trung thu. Bánh được voi là biểu tượng cho sự đoàn tụ và hòa thuận của gia đình. Ban đầu, bánh trung thu có hình dáng tròn, tượng trưng cho sự đoàn kết và hoàn chỉnh. Sau này, bánh được biến dạng thành hình vuông, có lẽ vì mỹ thuật và dễ xếp trong hộp vuông, vừa đủ bốn chiếc một hộp.
Thường bánh trung thu sẽ được cắt bằng với đúng số thành viên trong gia đình. Miếng bánh càng đều thì gia đình càng hạnh phúc hòa thuận.