Thành ngữ

Thành ngữ (tiếng Anh : idiom ; phrase) là cụm từ hay ngữ cố định, bền vững, tính nguyên khối về ngữ nghĩa không nhằm diễn trọn một ý, một nhận xét như tục ngữ, mà nhằm thể hiện một quan niệm dưới một hình thức sinh động, hàm súc. Ví dụ : vui như mở cờ trong bụng ; như cột nhà cháy ; đẹp như tiên ; xấu như ma lem ; vắng ngắt như chùa Bà Đanh,… Ý nghĩa của thành ngữ không phải là tổng số nghĩa của các thành tố cấu thành nó, tức là không có “nghĩa đen”. Thành ngữ hoạt động như một từ trong câu.

Dù ngắn hay dài, xét về nội dung ý nghĩa cũng như về chức năng ngữ pháp, thành ngữ cũng chỉ tương đương như từ, nhưng là từ đã được tô điểm và nhấn mạnh nghĩa bằng sự diễn đạt sinh động, có nghệ thuật.

Chẳng hạn, thành ngữ cò bay thẳng cánh tương đương với từ rộng được nhấn mạnh (có nghĩa là “rất rộng”), thành ngữ lừ đừ như ông từ vào đền tương đương với từ chậm chạp được nhấn mạnh (có nghĩa là rất “chậm chạp”). Vì thế mà khi đã dùng thành ngữ thì không cần và không thể dùng các phó từ tu sức như rất, lắm để nhấn mạnh nghĩa.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 2:01 Sáng ngày 30/12/2019