Truyện Nôm

Truyện Nôm là thể loại tự sự bằng thơ dài rất tiêu biểu cho văn học cổ điển Việt Nam, nở rộ vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, do viết bằng tiếng Việt, ghi bằng chữ Nôm nên được gọi là truyện Nôm.

Truyện Nôm có tác phẩm được viết bằng thể thơ Đường luật như Vương Tường, Tô Công phụng sử,.. nhưng phổ biến nhất là viết bằng thể thơ lục bát. Có hai loại truyện Nôm. Truyện Nôm bình dân viết trên cơ sở truyện dân gian như Phạm Tải Ngọc Hoa, Tổng Trân Cúc Hoa, Thạch Sanh,… Truyện Nôm bác học có loại viết trên cơ sở cốt truyện có sẵn của văn học Trung Quốc như Phan Trần, Hoa Tiên, Nhị độ mai, Truyện Kiều,.. có loại xây dựng theo cốt truyện sáng tạo bằng hư cấu như Hoàng Trừu, Trê Cóc, Sơ kính tân trang, Lục Vân Tiên,…

Truyện Nôm bình dân hầu hết không có tên tác giả, được lưu truyền trong dân gian, ngôn ngữ bình dị, mộc mạc, Truyện Nôm bác học có ngôn ngữ trau chuốt, điêu luyện, dùng nhiều từ Hán Việt, điển tích, tiêu biểu cho trình độ diễn đat của văn học viết của dân tộc, trong đó có những tác phẩm đạt tới mức độ cổ điển, mẫu mực, bất hủ như Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 12:48 Sáng ngày 14/01/2020