Văn bản / diễn ngôn (tiếng Anh : text / discourse)
Bất cứ đối tượng nào được phân tích hoặc giải thích nghĩa đều là văn bản. Trong tiếng Anh và tiếng Pháp, văn bản với nghĩa rộng như vậy đều được gọi là discourse, hai thuật ngữ này tạo thành những cách hiểu khác nhau, bởi vì trong truyền thống, text thường được xem là loại được ghi, khắc lại, còn discourse là thứ được phát âm ra bằng miệng. Text được dịch là “văn bản” còn discourse được dịch là “lời diễn thuyết”, “diễn ngôn”, “lời nói”. Hai khái niệm này đối lập nhau.
Chẳng hạn, R. I-a-cốp-xơn xem discourse là có tính thứ nhất, còn “văn bản” là phái sinh. Còn G. Đơ-ri-đa thì xem text là có tính thứ nhất. Ngày nay các nhà kí hiệu học không phân biệt như thế nữa, và văn bản là khái niệm được dùng để chỉ văn bản trong ý nghĩa rộng nhất. Văn bản là bất cứ chuỗi kí hiệu nào có khả năng tiềm tàng có thể đọc ra nghĩa được, bất kể là có do kí hiệu ngôn ngữ tạo thành hay không.
Do đó một nghi thức, một điệu múa, một nét mặt, một bài thơ,… đều là văn bản. Còn văn bản theo nghĩa hẹp truyền thống, như tác phẩm của một nhà văn, một văn kiện, thì được gọi là tác phẩm (corpus). Văn bản như thế là mới chỉ xét ở phương diện được biểu đạt. Bởi vì mọi đối tượng của việc phân tích nghĩa đều là văn bản, cho nên bản thân quá trình tạo lập văn bản cũng là văn bản. Điều này thể hiện rất rõ trong lý thuyết tự sự.
Đối tượng phân tích của tự sự học không chỉ là văn bản tiểu thuyết, mà còn là cả quá trình hình thành văn bản, quá trình sửa chữa, gia công của nó. Văn bản được hiểu như thế bao gồm cả hai mặt : cái biểu đạt và cái được biểu đạt.