Văn bản; văn bản nghệ thuật

Văn bản; văn bản nghệ thuật (tiếng Nga : khudojestvennyi tekst)

Với nghĩa rộng :

1) Bản ghi bằng chữ viết hoặc chữ in, một phát ngôn hoặc một thông báo ngôn từ (phân biệt với thực hiện phát ngôn hoặc thông báo ấy bằng nói miệng) ;

2) Phương diện tri giác cảm xúc của tác phẩm được biểu đạt và ghi nhận bằng các kí hiệu ngôn ngữ ;

3) Đơn vị nhỏ nhất tương đối (có tính thống nhất tương đối và tính độc lập tương đối) của giao tiếp bằng ngôn từ.

Với nghĩa hẹp : văn bản tác phẩm văn học, một dạng của “văn bản nghệ thuật” nói chung. Văn bản là một chỉnh thể nghĩa, một khối thống nhất có tổ chức của các thành tố hợp thành, một thông báo mà tác giả (người phát) gửi tới người đọc, người xem (người nhận).

Nghĩa của văn bản được xác định bởi quan hệ của nó với thực tại ngoài văn bản với các văn bản khác, với từng cá nhân, với kí ức và các phẩm chất khác nữa của người phát và người nhận thông báo.

Văn bản thực hiện ba chức năng chính : truyền thông tin, chế biến thông tin mới và bảo quản thông tin (ghi nhớ).

Ở mức cao nhất, văn bản nghệ thuật thực hiện chức năng sáng tạo, là nguồn phát ngôn thông tin mới, Chức năng “nguồn phát” của văn bản nghệ thuật bị quy định bởi tính phức tạp của quan hệ của nó với các yếu tố khác của quá trình giao tiếp và bởi các đặc điểm của từng loại hình nghệ thuật. Quan hệ ngôn ngữ văn bản trong hệ thống nghệ thuật vốn mang tính biện chứng. Bởi vậy, sự tiếp nhận thông tin trong hệ thống văn bản nghệ thuật không bao giờ đơn nghĩa. Người nhận bao giờ cũng ở trong quan hệ đồng sáng tạo với thông báo được nhận : anh ta phải giải mã nó, tức là chọn một mã ý nghĩa thích hợp hoặc thậm chí tạo ra một mã mới. Như vậy hành vi sáng tạo diễn ra và hoàn tất cả hai khâu thông tin (tính tích cực của người phát và tính tích cực của người nhận). Tuy vậy, ở các nền văn hóa khác nhau, tại các thời điểm lịch sử khác nhau, trọng lượng của chúng cũng khác nhau. Ví dụ : các văn bản nghệ thuật truyền thống vùng Cận Đông thường áp chế tính tích cực của người nhận, trong khi đó, ở các văn bản nghệ thuật châu Âu, cả người phát lẫn người nhận đều ở trong quan hệ đối thoại.

Cấu trúc bên trong của văn bản nghệ thuật là không thuần nhất :

quy luật của nó là một thứ “trò chơi” ý nghĩa, nó tạo ra những hệ thống lập mã khác nhau, cấu trúc của nó mang tính đối thoại, tính đa thanh (M. Ba-khơ-tin), nhưng vẫn giữ được tính thống nhất, cấu trúc của nó vừa là cấu trúc đóng kín vừa là cấu trúc mở ngỏ.

Với tất cả tính độc đáo của nó, văn bản nghệ thuật vẫn buộc phải thực hiện chức năng “phi nghệ thuật” là truyền thông tin. Do vậy mà có thể “kể lại” cốt truyện một tác phẩm nào đó, có thể dịch văn bản nghệ thuật từ một ngôn ngữ của loại hình nghệ thuật này sang ngôn ngữ một loại hình nghệ thuật khác (chuyển thể tiểu thuyết sang điện ảnh, sân khấu, minh họa sách, chuyển thể trường ca sang múa balet,…). Chức năng này hoạt động mạnh trong văn bản nghệ thuật trần thuật, yếu trong văn bản nghệ thuật trữ tình và có vai trò đặc biệt trong văn học chính luận, khoa học viễn tưởng,…

Chức năng ghi nhớ được thực hiện như là quan hệ của văn bản nghệ thuật với các truyền thống văn hóa trước đó (“kí ức thể loại” theo xác định của Ba-khơ-tin). Về mặt này, văn bản nghệ thuật là chất liệu cho việc tái lập (gắn văn hóa với các giai đoạn trước, khôi phục sự đứt đoạn truyền thống). Do đi vào kí ức của văn hóa, văn bản nghệ thuật không chỉ trở thành định hướng lịch sử mà còn trở thành định hướng đạo đức cho sự phát triển tinh thần của nhân loại, chừng nào nó còn giữ được giá trị cao của thông báo.

Các tiêu chuẩn giá trị của văn bản nghệ thuật mang tính lịch sử và tính đặc thù với từng nền văn hóa, nhưng các tiêu chuẩn ấy không thể cô lập với nhau. Sự tích lũy và tương tác của các văn bản nghệ thuật, việc dịch và chuyển chúng trong hệ thống các ngành và các nền văn hóa khác nhau sẽ giúp vào việc làm giàu cho văn hóa nghệ thuật thế giới.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 12:56 Sáng ngày 16/01/2020