Tục ngữ

Tục ngữ (tiếng Pháp: proverbe) là một thể loại văn học dân gian mà chức năng chủ yếu là đúc kết kinh nghiệm, tri thức dưới hình thức những câu nói ngắn gọn, súc tích, giàu vần điệu, hình ảnh, dễ nhớ, dễ truyền, ví dụ : Tre già măng mọc, Nói ngọt lọt tận xương, Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ, Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng,…

Về nội dung, tục ngữ là sự kết tinh kinh nghiệm và tri thức thực tiễn vô cùng phong phú và quý giá của nhân dân. Không một lĩnh vực nào của đời sống và cuộc đấu tranh sinh tồn của nhân dân mà không được phản ánh trong tục ngữ.

Khác với cách ngôn, tục ngữ không bao hàm ý nghĩa khuyên răn trực tiếp.

Về cấu trúc ngôn từ, tục ngữ chủ yếu được diễn đạt theo hình thức những câu ngắn có vần hoặc không có vần (đa số là loại câu từ bốn đến mười tiếng) có tính chất tương đối bền vững. Nhưng cũng có một bộ phận tục ngữ được diễn đạt theo hình thức câu dài gồm hai, ba vế (từ 10 tiếng trở lên, có khi trên 20 tiếng). Ví dụ : Của làm ra để trên gác, của cờ bạc để ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ ; hoặc :

Lươn ngắn lại chê chạch dài, Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm,… Nhưng dù ngắn hay dài thì mỗi đơn vị tục ngữ cũng đều được gọi là “câu” (chứ không gọi là “bài”). Có một bộ phận những câu mang tính chất nhập nhằng, “lưỡng tính” vừa gần với tục ngữ, vừa gần với ca dao. Ví dụ:

– Tin bợm mất bò

Tin bạn mất vợ nằm co một mình.

– Ở sao cho vừa lòng người

Ở rộng người cười, ở hẹp người chê.

Việc xác định đặc trưng thể loại những câu như vậy nói chung là khó. Nhưng nếu đặt chúng trong những trường hợp cụ thể của phát ngôn thì vẫn có căn cứ để xác định được. Khi chúng được ngâm, hát lên để thổ lộ tâm tình của người sử dụng, thì chúng được coi là ca dao, còn khi chúng được nói tới để nêu lên một kinh nghiệm, một nhận xét lí trí, khách quan, thì chúng là tục ngữ.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 12:38 Sáng ngày 16/01/2020