An Dương Vương

An Dương Vương (Sinh năm ?, mất năm 179 TCN) tên thật là Thục Phán. Người sáng lập nước Âu Lạc. Thuộc dòng dõi Thục lĩnh các bộ lạc Tây Âu ở Cao Bằng.

Năm 218 TCN, nhà Tần cử 50 vạn quân đánh xuống phương Nam. Khi chúng tràn vào vùng Tây Bắc, nhân dân địa phương đã chống lại quyết liệt, nhưng tướng chết, quân hao tổn, nhân dân phải lánh vào rừng. Người thanh niên dũng cảm Thục Phán được bầu làm chỉ huy, tổ chức cuộc kháng chiến. Sau nhiều năm chiến đấu mưu trí, quân của Thục Phán đã đuổi được kẻ thù ra khỏi bờ cõi.

An Duong Vuong
Tượng đài An Dương Vương ở TP.HCM

Bấy giờ, Hùng Vương thứ 18 đã già, thấy Thục Phán là người tài giỏi, có công lớn, bèn nhường ngôi cho ông (có thuyết nói rằng, Thục Phán đã nhân đà thắng lợi, đánh xuống Văn Lang. Hùng Vương không chống nổi). Thục Phán sáp nhập hai vùng đất, lập thành nước Âu Lạc tự xưng là An Dương Vương (năm 207 TCN). Ông giữ nguyên bộ máy nhà nước cũ, chọn đất Cổ Loa (Đông Anh – Hà Nội) đóng đô, xây thành, đắp lũy, đào hào sâu bao quanh, xây dựng một đạo thủy quân mạnh để giữ nước.

Nước yên bình trong mấy chục năm. Cuối những năm 80 của thế kỉ II TCN, vua Nam Việt là Triệu Đà cất quân đánh Âu Lạc. Nhiều trận đánh diễn ra. Quân Triệu thua to, phải rút về nước. Biết không thể chiếm Âu Lạc ngay được, Triệu Đà đã dùng mưu chia rẽ nội bộ Triều đình Âu Lạc. Một số Lạc hầu như Cao Lỗ, Nồi Hầu cố sức khuyên can An Dương Vương chớ tin lời giặc, nhưng do quá tự tin vào thành luỹ và quân đội của mình, An Dương Vương không nghe, lại đuổi họ về làng. Sau khi đã đạt được mục đích “phá hỏng nỏ thần”, Triệu Đà tiến quân xâm lược. Vì mất cảnh giác, không lo việc bố phòng, An Dương Vương không chống nổi giặc, phải bỏ thành Cổ Loa, cùng con gái phi ngựa chạy về phía nam. Quân giặc đuổi gấp. Biết không thể thoát được, An Dương Vương đã cùng con gái tự tận ở vùng biển Diễn Châu (Nghệ An).

Hiện nay ở Cổ Loa cũng như ở Cao Xá (thuộc Diễn Châu) đều có đền thờ An Dương Vương, hàng năm cúng tế.

* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 10:35 Chiều ngày 14/07/2025