Văn học dân gian (tiếng Anh : folk literature) còn gọi là văn chương (hay văn học) bình dân, văn chương truyền miệng hay truyền khẩu, là toàn bộ những sáng tác nghệ thuật ngôn từ của nhân dân.
Ở nước ta cũng như nhiều nước khác, thuật ngữ văn học dân gian đã được dùng với nhiều nghĩa rộng hẹp khác nhau:
1) Là tất cả các hình thức, các thể loại khác nhau của sáng tác dân gian mà thuật ngữ quốc tế gọi là phônclo. Ngày nay nghĩa này của thuật ngữ văn học dân gian ít được dùng, vì đã có thuật ngữ phônclo hay sáng tác dân gian thay thế.
2) Là tất cả các hình thức và thể loại sáng tác dân gian có thành phần nghệ thuật ngôn từ kết hợp với các thành phần nghệ thuật khác (như nhạc, vũ,..) thường được gọi chung là nghệ thuật biểu diễn dân gian mang tính chất tổng hợp (ví dụ : tục ngữ , ca dao, dân ca, thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, ngụ ngôn, chèo ). Với nghĩa này, thuật ngữ văn học dân gian không bao hàm các loại nghệ thuật tạo hình (như hội họa, điêu khắc, chạm trổ, nặn tượng,…) và các hình thức nghệ thuật biểu diễn không có yếu tố ngôn từ (như kịch câm, các loại vũ kịch không lời,…).
3) Là thành phần ngôn từ trong những sáng tác dân gian mang tính chất tổng hợp bao gồm nhiều thành phần chất liệu nghệ thuật khác nhau (như ngôn từ, nhạc, vũ…). Với nghĩa này thì thuật ngữ văn học dân gian đồng nghĩa với thuật ngữ phônclo ngôn từ.
4) Là thành phần văn học trong sáng tác dân gian, nghĩa là thành phần ngôn từ có chức năng và giá trị nghệ thuật thực sự chứ không phải mọi yếu tố ngôn từ trong sáng tác dân gian. Với nghĩa này, thuật ngữ văn học dân gian được hiểu và dùng ở nghĩa hẹp nhất theo yêu cầu chuyên môn hóa của công việc nghiên cứu văn học đích thực. Và như vậy thì văn học dân gian đồng nghĩa với thuật ngữ phônclo văn học. Theo cách hiểu này thì phải gạt ra khỏi khái niệm văn học dân gian tất cả những yếu tố ngôn từ phi nghệ thuật, không có chức năng và giá trị thẩm mỹ (ví dụ : những câu tục ngữ, câu đố, ca dao khô khan, lí trí, chỉ nêu kinh nghiệm, tri thức đơn thuần).
Mỗi cách hiểu văn học dân gian đều gắn với một hệ thống quan niệm và phương pháp nghiên cứu, nhìn nhận sáng tác dân gian nhất định, trong đó cách hiểu thứ hai và thứ ba là những quan niệm phổ biến hiện hành, còn cách hiểu thứ nhất (mở rộng đến độ cực đại) và thứ tư (thu hẹp đến độ cực tiểu) đều không được dùng phổ biến.
Việc áp dụng phương pháp phân loại, phân vùng và phân kì văn học dân gian đã và đang đem lại cho khoa học nghiên cứu văn học dân gian ở các nước nhiều kết quả và những thuật ngữ cần thiết, có lợi cho việc tìm hiểu, nhận thức lĩnh vực này. Cho đến nay vẫn chưa thể giải quyết vấn đề phân loại văn học dân gian một cách triệt để và sâu sắc, nhưng dựa vào những tiêu chí cơ bản (về phương thức biểu diễn, phương thức phản ánh, chức năng chủ yếu, đề tài, thể văn,…) có thể phân văn học dân gian thành các loại hình (hay chủng loại) chính sau đây:
– Loại hình nói (luận lí) : tục ngữ, câu đố.
– Loại hình kể (tự sự) : các loại truyện kể dân gian.
– Loại hình hát (trữ tình): các loại ca dao, dân ca,…
– Loại hình diễn (kịch): chèo, tuồng đồ,…
Khái niệm “vùng văn học dân gian” được hình thành và phát triển trên cơ sở vận dụng tính địa phương và tính truyền thống của văn học dân gian vào hoạt động điều tra, nghiên cứu văn học dân gian của mỗi dân tộc.
Văn học dân gian nói riêng cũng như sáng tác dân gian nói chung của mỗi dân tộc đều không đứng yên mà luôn luôn vận động. Sự vận động đó vừa diễn ra trong thời gian, vừa diễn ra trong không gian gắn với địa bàn làm ăn, sinh sống của nhân dân. Muốn nghiên cứu chiều vận động trong không gian thì phải phân vùng, muốn tìm hiểu chiều vận động trong thời gian thì phải phân kì văn học dân gian. Sự hình thành các thời kì trong lịch sử sáng tác của nhân dân thường gắn với sự hình thành và phát triển của các thể loại và các vùng, miền văn học dân gian truyền thống. Vì thế việc đặt các tác phẩm văn học dân gian vào các thể loại, vùng, miền và thời kì lịch sử gốc của chúng là hết sức cần thiết.
Đến nay, khoa nghiên cứu văn học dân gian đã tìm thấy ở văn học dân gian có nhiều đặc điểm và thuộc tính quan trọng đáng chú ý như tính truyền miệng, tính nguyên hợp, tính tập thể, tính vô danh, tính dị bản, tính truyền thống, tính địa phương, tính quốc tế,… trong đó tính truyền miệng được nhiều người coi là thuộc tính quan trọng nhất, có quan hệ nhiều nhất với các thuộc tính và đặc điểm khác của văn học dân gian.