Thi pháp học và thi pháp

Thi pháp học và thi pháp (tiếng Nga : poetika, tiếng Pháp : poétique, tiếng Anh: poetics) còn dịch là thi học.

Thi pháp học là khoa học nghiên cứu thi pháp, tức là hệ thống các phương thức, phương tiện, thủ pháp biểu hiện đời sống bằng hình tượng nghệ thuật trong sáng tác văn học. Mục đích của thi pháp học là chia tách và hệ thống hóa các yếu tố của văn bản nghệ thuật tham gia vào sự tạo thành thế giới nghệ thuật, ấn tượng thẩm mỹ và chiều sâu phản ánh của sáng tác nghệ thuật.

Xét các chỉnh thể văn học mang thi pháp, có thể nói tới thi pháp tác phẩm cụ thể, thi pháp tác giả (sáng tác một nhà văn), thi pháp một trào lưu, thi pháp văn học một thời đại, thời kì lịch sử, thi pháp văn học dân tộc.

Xét các phương tiện, phương thức nghệ thuật đã được chia tách, có thể nói tới thi pháp của thể loại, thi pháp của phương pháp, thi pháp của phong cách, thi pháp kết cấu, thi pháp không gian, thời gian, thi pháp ngôn ngữ,..

Xét về cách tiếp cận, thi pháp học có ba phạm vi nghiên cứu : thi pháp học đại cương (còn gọi là thi pháp học lí thuyết, thi pháp học hệ thống hóa hay thi pháp học vĩ mô tức là lí luận văn học), thi pháp học chuyên biệt (hay còn gọi là thi pháp học miêu tả vi mô) và thi pháp học lịch sử.

Thi pháp học đại cương lại được chia thành ba bộ phận, tương ứng với ba phương diện của văn bản : ngữ âm, từ vựng, và hình tượng.

Mục đích của thi pháp học đại cương là xây dựng một hệ thống trọn vẹn các thủ pháp (tức là các yếu tố tác động thẩm mỹ), bao quát cả ba phạm vi trên, từ các biện pháp ngữ âm cho tới các hình tượng, môtíp, cốt truyện,… Phương diện thi pháp hình tượng ít được nghiên cứu hơn cả, vì một thời gian dài người ta cho rằng thế giới nghệ thuật không khác gì so với thế giới thực tại, do đó, đến nay lĩnh vực này vẫn chưa có một sự hệ thống hóa được chấp nhận phổ biến về các phương tiện nghệ thuật.

Thi pháp học chuyên biệt tiến hành việc miêu tả tất cả các phương diện nói trên của sáng tác văn học nhằm xây dựng “mô hình” – hệ thống cá biệt của các thuộc tính tác động thẩm mỹ của tác phẩm. Vấn đề chính ở đây là kết cấu, tức là các tương quan của tất cả các yếu tố nói trên trong chỉnh thể nghệ thuật.

Các khái niệm cuối cùng mà sự phân tích các phương tiện nghệ thuật sẽ dẫn đến là hình tượng thế giới (với đặc điểm cơ bản của nó là không gian nghệ thuật , thời gian nghệ thuật ), và hình tượng tác giả. Tác động qua lại của hai khái niệm này tạo nên điểm nhìn nghệ thuật có tác dụng quy định tất cả mọi điều cơ bản của cấu trúc tác phẩm.

Thi pháp học chuyên biệt có thể miêu tả tác phẩm văn học cá biệt, cũng như cụm tác phẩm trong sáng tác của một nhà văn, của một thể loại, một trào lưu hoặc một thời đại văn học.

Thi pháp học lịch sử nghiên cứu sự tiến hóa của các biện pháp nghệ thuật cũng như hệ thống các biện pháp ấy bằng phương pháp so sánh lịch sử nhằm vạch ra đặc điểm chung của hệ thống văn học thuộc các nền văn hóa khác nhau, xác định cội nguồn của chúng cũng như quy luật chung của ý thức văn học nhân loại. Vấn để chính của thi pháp học lịch sử là sự phát sinh, phát triển của thể loại trong ý nghĩa rộng nhất của từ đó, là ranh giới phân chia phạm vi văn học và ngoài văn học với tất cả sự đổi thay lịch sử của chúng.

Thi pháp học đại cương trùng với bộ phận lí luận văn học nghiên cứu cấu trúc sáng tác văn học, thường dịch là thi học. Nhiều nhà thi pháp học phương Tây nhấn mạnh lý luận về bản chất văn học mới là nội dung chủ yếu của thi pháp học, xem việc nghiên cứu “tính văn học” bất biến của văn bản là đối tượng của thi pháp học. Nhưng đó chỉ là một bộ phận của thi pháp học mà thôi và tính văn học không thể là bất biến trong lịch sử. Thi pháp học chuyên biệt và thi pháp học lịch sử cung cấp bức tranh đa dạng và phát triển tiến hóa của các mô hình và phương tiện nghệ thuật.

Thi pháp học giúp ta công cụ để thâm nhập vào cấu trúc tác phẩm, cốt cách tư duy của tác giả cũng như nắm bắt mã văn hoá nghệ thuật của các tác giả và các thời kì văn học nghệ thuật, từ đó nâng cao năng lực thụ cảm tác phẩm.

Thi pháp học cổ xưa (từ A-ri-xtốt) nặng về tính chất quy phạm, cẩm nang. Thi pháp học hiện đại nặng về phát hiện, miêu tả các ngôn ngữ nghệ thuật đang hình thành với sự vận động của văn học.

Chuyên mục: Văn hóaVăn học. Thẻ: Thuật ngữ văn học.
* Bài viết này được sửa đổi lần cuối vào lúc 10:48 Chiều ngày 13/01/2020